"Nút thắt" hạ tầng gây tắc nghẽn xuất khẩu hàng hoá liên vận qua ga Đồng Đăng, Lạng Sơn

Anh Tú
Chia sẻ

Tốc độ tăng trưởng hàng hóa ấn tượng qua ga Đồng Đăng lên tới 82%, nhu cầu vận tải liên vận quốc tế hai chiều lên đến hàng trăm nghìn tấn/tháng. Tuy nhiên, hạn chế về hạ tầng đường sắt dẫn đến hàng hóa liên vận thường xuyên ùn ứ...

Ga Đồng Đăng hiện là điểm nóng ách tắc hàng hóa liên vận quốc tế.
Ga Đồng Đăng hiện là điểm nóng ách tắc hàng hóa liên vận quốc tế.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện nhu cầu vận tải liên vận quốc tế hai chiều xuất và nhập qua cửa khẩu ga Đồng Đăng tăng cao, lên đến hàng trăm nghìn tấn/tháng. Trong khi đó, năng lực vận chuyển hàng hóa của đường sắt chỉ có hạn nên hàng hóa liên vận thường xuyên ùn ứ, nhất là vào thời gian cao điểm.

ÙN Ứ XUẤT KHẨU ĐƯỜNG SẮT LIÊN VẬN

Hiện đường sắt Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc tại 2 ga biên giới: Lào Cai và Đồng Đăng.

Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt Việt Nam cũng có thể kết nối với mạng lưới đường sắt quốc tế Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc. Theo đó, tàu hàng từ Việt Nam có thể quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ 3 như Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và Châu Âu.

 

Số liệu từ VNR cho thấy, hoạt động vận tải liên vận quốc tế trong các năm gần đây tăng trưởng mạnh mẽ, lên tới 34% chỉ tiêu tấn xếp so với cùng kỳ năm 2021. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua ga Đồng Đăng đạt mức 82%. Đặc biệt, trong quý 4/2021, hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường sắt tăng mạnh so với cùng kỳ, ga Đồng Đăng tăng 117% lượt toa xe qua lại.

Do lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh liên tục qua nhiều năm, dẫn đến hiện tượng ùn tắc tại cửa khẩu các ga và các ga sâu trong nội địa của cả hai nước.

Những lúc cao điểm, tại khu vực ga Bằng Tường và dọc đường từ ga Nam Ninh đến ga biên giới Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc, có 500 - 600 xe đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam.

Trung bình mỗi ngày đường sắt Việt Nam tổ chức vận chuyển từ 7-9 đoàn tàu chuyên chở hàng hóa từ miền Nam, miền Trung ra Hà Nội và kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất sang Trung Quốc.

Theo đại diện VNR, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Đồng Đăng trong tháng 1/2022 là khoảng 200.000 tấn.

Tuy nhiên, "do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên nên thực tế chỉ vận chuyển được hơn 80.000 tấn", đại diện VNR chỉ rõ.

Còn đại diện ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) thông tin, thời điểm tháng 1 là cao điểm về vận tải hàng liên vận qua ga so với trước, đạt hơn 4.400 toa xe cả hai chiều xuất - nhập.

Tháng 2, sản lượng giảm hơn do đầu tháng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Riêng khu vực ga cửa khẩu Đồng Đăng và ga cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc) vẫn tổ chức chạy 2 - 3 đoàn tàu trong các ngày nghỉ Tết.

Theo Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng - ông Phạm Đức Khái, thời điểm hiện tại lượng hàng hóa nhiều khoảng 100 xe/ngày, giảm nhiệt so với thời điểm trước Tết Nguyên đán là 500 - 600 xe/ngày.

Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển vẫn tăng cao cả hai chiều, nhất là chiều hàng nhập từ Trung Quốc về tăng gấp đôi so với trước, dẫn đến ùn ứ toa xe, container tại ga do năng lực kho bãi, đường ga thấp. Hàng về phải chờ làm thủ tục hải quan, thông quan dẫn đến chiếm dụng đường xếp dỡ, bãi hàng.

Trong khi đó, hàng từ Trung Quốc về rất nhiều, chỉ riêng 2 ngày cuối tuần  về đến 70-80 container. Do đó, phải đưa hàng về ga Đông Anh và các ga, đường sắt lân cận để chờ lập tàu, nhằm giảm tải cho ga Yên Viên mặc dù tàu hàng liên vận quốc tế xuất phát ga Yên Viên sang Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng nâng lên 8-9 đoàn/tuần, trước kia chỉ khoảng 3-4 đoàn/tuần.

HOÁ GIẢI "ĐIỂM NÓNG" ÁCH TẮC, ĐỀ XUẤT KÉP LÀ GA LIÊN VẬN QUỐC TẾ

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ rõ, hiện cơ sở hạ tầng tại các ga biên giới chưa cân xứng với đường sắt nước bạn Trung Quốc.

Năng lực thông qua của ga phía Việt Nam nhỏ hơn nhiều lần so với phía đường sắt Trung Quốc, vì vậy, mỗi khi hàng hóa tăng lên phía Việt Nam sẽ bị quá tải.

 

"Trước mắt, cần dừng không tổ chức xếp dỡ hàng hóa tại ga Đồng Đăng để dành đường đón tiễn các đoàn tàu liên vận quốc tế. Khẩn trương chuẩn bị hạ tầng, tăng năng lực xếp dỡ các bãi hàng tại các ga như Kép, Đông Anh, Yên Viên để nâng năng lực sức chứa hàng hóa, container nhằm giải tỏa ách tắc cho các ga Đồng Đăng, Lào Cai", ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh.

Theo VNR, nếu lập ga Kép tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, là ga liên vận quốc tế sẽ giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và 2 ga liên vận quốc tế hiện có trên tuyến là Yên Viên và Đồng Đăng.

Cách ga Kép 30km có Chi cục Hải quan tỉnh Bắc Giang đóng tại khu công nghiệp Đình Trám.

Khi đó, hàng hóa thuộc khu vực Bắc Giang có thể làm các thủ tục xuất nhập tại Hải quan Bắc Giang đóng tại khu công nghiệp này, không phải làm thủ tục tại ga Đồng Đăng, Yên Viên, vừa giảm bớt thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, vừa giảm tải cho hai ga này.

Ga Kép hiện là ga cấp 2, nằm tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), là điểm bắt đầu của hai tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, Cái Lân và tuyến Kép - Lưu Xá. Khu ga có diện tích 102.000 m2, bãi hàng có diện tích 27.000 m2.

Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương bố trí nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp và mở rộng bãi hàng, đường ga, kho ga tại các nhà ga, đặc biệt ưu tiên ga Đồng Đăng hiện là điểm nóng ách tắc hàng hóa liên vận quốc tế.

Bộ Giao thông vận tải cần bổ sung vào Nghị định thư đường sắt Việt Nam – Trung Quốc nội dung cho phép đầu máy đường sắt Trung Quốc đi sâu vào nội địa Việt Nam. Hiện toa xe đường sắt Trung Quốc vào đến Hà Nội và Hải Phòng, đầu máy đường sắt Trung Quốc dừng tại ga biên giới.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con