Huy động nguồn lực tài chính, thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh

Quốc Khánh
Chia sẻ

Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính trở thành một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tại Việt Nam…

Đại diện Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả, nhà khoa học tại hội thảo “Kinh tế tài chính Việt Nam 2025 – Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh”, chiều ngày 26/6/2025.
Đại diện Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả, nhà khoa học tại hội thảo “Kinh tế tài chính Việt Nam 2025 – Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh”, chiều ngày 26/6/2025.

Ngày 26/6/2025, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng (CAER), Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), phối hợp cùng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam và Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế tài chính Việt Nam 2025– Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh”…

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ, GÓP PHẦN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH

Phát biểu khai mạc, TS. Nghiêm Quý Hào, Giám đốc CAER, Trưởng ban tổ chức, nhấn mạnh tăng trưởng xanh đã trở thành một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính trở thành một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành gần đây, cùng với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, nhằm xanh hóa nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các dự án xanh và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc kết nối lý luận – thực tiễn – chính sách trong lĩnh vực tài chính, đầu tư và phát triển nói riêng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh nói chung.

“Hội thảo khoa học Quốc gia lần nay là diễn đàn học thuật có ý nghĩa thiết thực, nhằm kết nối giới nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp và các định chế trong nước cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp cho việc huy động nguồn lực và thúc đẩy đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050”, TS. Nghiêm Quý Hào khẳng định.

Bên cạnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục hưởng ứng và triển khai nhiệm vụ về tăng cường công tác giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị điều hành về tăng trưởng xanh; tích cực tham gia tổ chức, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực… để thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

ƯU ĐÃI TÀI CHÍNH XANH CHO FINTECH CẦN RÕ RÀNG

Trình bày báo cáo đề dẫn “Chính sách và định hướng phát triển tài chính số gắn liền với tăng trưởng xanh tại Việt Nam”, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu nguồn vốn xanh là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Theo đó, tài chính số, đặc biệt là chuỗi khối (Blockchain) và token hóa cung cấp cơ chế cắt giảm chi phí, mở rộng tiếp cận nhà đầu tư và minh bạch hóa dòng vốn cho các dự án bền vững.

Hiện tại, khung chính sách Việt Nam đã hình thành “mảnh ghép” chuyển đổi số và đổi mới tài chính, song vẫn còn thiếu liên kết dữ liệu ESG digital, giám sát AML/CFT thời gian thực và cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân.

TS. Trần Quý cũng nhấn mạnh về Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, với những điểm trao quyền cho khu vực tư nhân trong nền tài chính số. Nghị quyết 68 nhấn mạnh vai trò then chốt của khu vực tư nhân trong đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng số và dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó hàng nghìn đơn vị tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tài chính số.

Điểm nổi bật là Nghị quyết 68 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tài chính (Fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối và hạ tầng số. Tuy nhiên, cơ chế ưu đãi về tài chính xanh cho doanh nghiệp Fintech chưa rõ ràng. 

TS. Trần Quý cũng đề xuất, sẽ là một cải tiến lớn nếu chính sách này bổ sung thêm khung hỗ trợ startup trong lĩnh vực Fintech ESG, hoặc thiết lập các quỹ đồng đầu tư công-tư cho các dự án tài chính số hướng đến môi trường.

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, cho biết phát triển bền vững nói chung và ESG nói riêng đang được ứng dụng mạnh mẽ trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể, thị trường cổ phiếu (cổ phiếu, trái phiếu, PE), tín dụng, hoạt động thương mại. Thực tế có nhu cầu rất lớn về thông tin và đánh giá ESG của các nhà đầu tư, các đối tác liên quan khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam tính đến tháng 9/2024 có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,35% dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp xanh,…

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ thông tin các lô trái phiếu xanh gần đây trên thị trường Việt Nam có mức lãi suất phát hành danh nghĩa dưới 6% sau khi đã có bảo lãnh. Các chi phí liên quan như phí bảo lãnh dao động từ 1,5- 3% tùy vào mức xếp hạng tín nhiệm và đánh giá của Tổ chức bảo lãnh, cộng với chi phí trả trước khoảng 1- 2%, phí cam kết khoảng 1% và các khoản phí khác.

Ngoài ra, với cùng mức xếp hạng tín nhiệm, nhìn chung tổng chi phí phải trả ước tính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh vẫn thấp hơn khoảng từ 1- 2% so với lãi suất phát hành trái phiếu thường của trung bình các doanh nghiệp có cùng nhóm ngành.

Tại hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học và các doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn; nhìn nhận những cơ hội và thách thức; thảo luận về quan điểm, xu hướng, giải pháp huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.

Tại sự kiện, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo kinh tế ứng dụng Trường Đại học Tôn Đức Thắng và các đối tác ký kết hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu học thuật.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, giảng viên, nghiên cứu sinh với gần 40 bài viết của gần 100 tác giả, đồng tác giả đến từ 17 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong toàn quốc. Trong số đó, hơn 20 bài viết có chất lượng, phản ánh các chủ đề của Hội thảo đã được lựa chọn, đưa vào kỷ yếu hội thảo.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con