Huyện Bắc Hà hoang tàn sau lũ dữ và sạt lở đất

Chu Khôi
Chia sẻ

Mưa lũ do bão số 3 gây ra tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đã khiến 25 người thiệt mạng, 9 người mất tích. Tổng số nhà bị sập đổ, vùi lấp trên địa bàn huyện là 719 nhà; số hộ phải di dời là 1.339 hộ với 5.454 nhân khẩu…

Một đoàn thiệt nguyện phát quà cứu trợ cho người dân Thôn Mẹt, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Ảnh: Chu Khôi. 
Một đoàn thiệt nguyện phát quà cứu trợ cho người dân Thôn Mẹt, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Ảnh: Chu Khôi. 

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, là một trong những nơi bị thiệt hại kinh hoàng nhất trong thiên tai do bão số 3 vừa qua gây ra. Tại nhà văn hoá xóm Mẹt Ngoài, xã Bảo Nhai, hiện có 6 hộ dân với 37 nhân khẩu đang phải tạm thời tá túc trong không gian chật hẹp, vì đã mất hết nhà cửa. Từ nhà văn hoá ở dưới chân núi, họ chỉ tay lên đỉnh núi cho chúng tôi thấy một khu vực đỏ quạch. Đó chính là bản Mẹt Thượng của 6 hộ toàn là người Dao.

NÚI LỞ, NHÀ SẬP, NGƯỜI BỊ LŨ CUỐN TRÔI

Ông Trần Đình Tiên, trưởng thôn Bản Mẹt, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, cho biết ngày 10/9/2024, khi nghe tiếng núi nứt như tiếng bom, tất cả các nhà ở đó chạy xuống chân núi, liền sau đó núi lở làm bay sạch cả 6 nhà.

Thôn Mẹt gồm có 3 bản là Mẹt Thượng, Mẹt Ngoài và Mẹt Trong, với tổng số 181 hộ dân. Trong đó, riêng bản Mẹt Ngoài có 44 hộ người Mông; bản Mẹt Thượng thì toàn người Dao.

"Hiện ngoài 6 gia đình đã được sơ tán đến đây, thì vẫn còn 22 nhà dân khác ở lưng chừng núi cũng đang bị khối núi lở treo trên đầu, nguy cơ khối đất khổng lồ bị sập xuống bất cứ lúc nào. Hiện tại, chúng tôi chưa biết bố trí cho 6 hộ đã mất nhà và 22 hộ đang bị nguy hiểm ở đâu bây giờ, đành phải chờ xã, huyện tìm phương án quyết định”, Trưởng thôn Bản Mẹt Trần Đình Tiên nói.

Trong nhà văn hoá bản Mẹt Ngoài, hiện có 6 hộ với 37 nhân khẩu của bản Mẹt Thượng bị thiên tai sập mất nhà, phải đến đây tạm tá túc. Ảnh: Chu Khôi.
Trong nhà văn hoá bản Mẹt Ngoài, hiện có 6 hộ với 37 nhân khẩu của bản Mẹt Thượng bị thiên tai sập mất nhà, phải đến đây tạm tá túc. Ảnh: Chu Khôi.

Ông Tiên cũng cho biết trong những ngày bão số 3, cùng với sạt lở trên núi, thì dưới chân núi ngập trắng, có những nhà bị ngập sâu 3-7 mét. Dẫn đến toàn bộ diện tích trồng lúa, ngô và hoa màu đều bị ngập trắng và mất hết. Nay nước đã rút, nhưng cả lúa và ngô đều đã vàng úa thành rơm khô.

Đoàn thiện nguyện phát gạo cứu trợ dân bị thiên tai tại huyện Bắc Hà. Ảnh: Chu Khôi.
Đoàn thiện nguyện phát gạo cứu trợ dân bị thiên tai tại huyện Bắc Hà. Ảnh: Chu Khôi.

Rời xã Bảo Nhai, chúng tôi tiếp tục ngược lên vùng sâu của huyện. Đến cầu Nậm Tôm, xe ô tô con và xe tải trọng cỡ nhỏ chở hàng không thể đi được nữa. Chúng tôi phải di chuyển bằng xe công nông theo dọc bờ sông Chảy. Một bên sông Chảy là xã Cốc Lầu, một bên là xã Nậm Lúc. Suốt dọc đường đi, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp, không chỉ đất trên núi lở trùm xuống gần hết con đường, mà dưới đường chỗ nào đất cũng rẽ ra nứt toác.

Một ngôi nhà xây kiên cố ở thôn Kho Vàng xã Cốc Lầu đã bị núi lở và nước lũ làm sập. Ảnh; Chu Khôi.
Một ngôi nhà xây kiên cố ở thôn Kho Vàng xã Cốc Lầu đã bị núi lở và nước lũ làm sập. Ảnh; Chu Khôi.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi), từ đêm 7/9 đến sáng 9/9, trên địa bàn xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) xảy ra mưa lớn. Trận lũ lớn trên sông Chảy vào rạng sáng ngày 9/9 đã khiến 6 ngôi nhà thuộc xóm Nậm Dẩn của thôn Kho Vàng bị cuốn trôi, cùng với đó có 3 người dân bị cuốn trôi và mất tích. Tất cả các hộ này đều là người Dao.

Cảnh tan hoang bên trong một ngôi nhà tại xã Cốc Lầu. Ảnh: Chu Khôi.
Cảnh tan hoang bên trong một ngôi nhà tại xã Cốc Lầu. Ảnh: Chu Khôi.

Bên kia sông, trên đỉnh Nậm Tông của xã Nậm Lúc, hiện có hàng chục hộ gia đình mất toàn bộ nhà cửa, tài sản do sạt lở đang sinh sống. Được biết, khoảng 13 giờ chiều ngày 10/9/2024, đỉnh núi ở thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc) bất ngờ đổ sập xuống sau những ngày mưa lớn. Trong phút chốc, hàng nghìn khối đất, đá, cây cối theo dòng suối trôi xuống, san phẳng nơi sinh sống của các hộ dân thôn Nậm Tông. Vụ sạt lở cuốn lấp 8 nhà dân, làm 18 người chết và mất tích. Do sạt lở, mưa lũ, trong nhiều ngày, nơi đây hầu như bị biệt lập với bên ngoài.

Một đoàn thiện nguyện đến phát quà cho người dân bị thiên tai ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu. Ảnh: Chu Khôi.
Một đoàn thiện nguyện đến phát quà cho người dân bị thiên tai ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu. Ảnh: Chu Khôi.

Theo số liệu của huyện Bắc Hà, mưa lũ do bão số 3 gây ra đã gây thiệt hại nặng nề tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, làm 25 người chết, 9 người mất tích. Tổng số nhà bị sập đổ, vùi lấp thiệt hại 719 nhà. Số hộ phải di dời là 1.339 hộ với 5.454 nhân khẩu.

Hiện nay, các hộ đã di chuyển đến nơi an toàn, trong đó, sắp xếp sinh hoạt ăn, ở tập trung là 343 hộ với 1.629 nhân khẩu/12 điểm/7 xã. Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Hà với 623,5ha lúa, gần 200ha ngô, rau màu các loại, gần 300ha cây công nghiệp, lâm nghiệp các loại.

Cơ sở hạ tầng cũng bị thiệt hại, hư hỏng lớn do mưa lũ, cụ thể: Toàn huyện có 158 tuyến đường giao thông bị sạt lở; hiện một số tuyến do khối lượng đất đá sạt lở lớn chưa thông như tỉnh lộ 160 đoạn từ thủy điện Nậm Lúc đến UBND xã Bản Cái, tỉnh lộ 153 đoạn Bắc Hà - Bản Liền…

NHỘN NHỊP NHỮNG CHUYẾN XE “KHÔNG ĐỒNG”

Con đường từ Phố Lu của huyện Bảo Thắng là tuyến dường huyết mạch nối từ Cao tốc Nội Bài – Lào Cai và quốc Lộ 2 đến huyện Bắc Hà. Từ khi bão lũ  ập đến, trên tuyến đường này mọc lên những quán cơm, quán nước "0 đồng", những trạm trung chuyển hàng cứu trợ, bất kể ngày đêm như những trạm dừng chân yêu thương, san sẻ từng hơi ấm, từng bữa ăn cho những người đi cứu trợ. Chủ những quán là những người dân hiền lành, chất phác, nhưng họ mang trong mình một trái tim rộng lớn. Mọi thứ ở đây đều miễn phí, nhưng lại chứa đựng giá trị lớn lao của tình người.

Người dân bốc  dỡ hàng cứu trợ từ các xe xuống vào ban đêm. Ảnh: Chu Khôi.
Người dân bốc  dỡ hàng cứu trợ từ các xe xuống vào ban đêm. Ảnh: Chu Khôi.

Nhà vợ chồng chị Thu – anh Dũng ở huyện Bảo Thắng vừa là quán cơm “0 đồng” với hơn 1000 suất ăn miễn phí mỗi ngày, cũng là một địa điểm tập kết trung chuyển của các chuyến xe hàng cứu trợ. Những chiếc xe tải trọng lớn đi đến đây, hàng bốc xuống, rồi được chuyển sang những xe tải trọng nhỏ hơn, vận chuyển tới từng bản làng, để phát đến tận tay từng hộ dân bị thiệt hại do thiên tai…

Trong những ngày này từ bão số 3 đến nay, hàng nghìn xe tải trên cả nước đang tham gia vận chuyển những chuyến hàng cứu trợ không thu cước phí, gọi là những chuyến xe “không đồng” từ khắp mọi miền tổ quốc đến với đồng bào gặp thiên tai ở miền Bắc.

Hàng cứu trợ được người dân đóng vào các túi để tiện phân phát đến từng người dân bị thiên tai. Ảnh: Chu Khôi.
Hàng cứu trợ được người dân đóng vào các túi để tiện phân phát đến từng người dân bị thiên tai. Ảnh: Chu Khôi.

Anh Trương Đình Thuận, một lái xe chở hàng “không đồng” cứu trợ từ Long An ra Lào Cai, cho biết đơn vị dịch vụ xe vận tải mà anh đang làm việc có 7 xe tải trọng 20 tấn chạy liên tục. Chi phí xăng dầu là do chủ xe tự bỏ ra, bình quân mỗi chuyến xe chở hàng từ Nam ra miền Bắc hết hơn 10 triệu đồng tiền dầu. Mình đi lái thì được chủ xe trả tiền lương.

Đưa hàng cứu trợ lên xe để vận chuyển tới các bản làng, Ảnh; Chu Khôi.
Đưa hàng cứu trợ lên xe để vận chuyển tới các bản làng, Ảnh; Chu Khôi.

“Từ hôm bão số 3 đến nay, riêng mình chạy được 3 chuyến xe chở hàng cứu trợ ra miền Bắc rồi, đi từ Long An ra đến Lào Cai mất 40 giờ. Lương của mình vẫn được chủ xe chi trả, dọc đường mình ăn ở các quán cơm 0 đồng, nên không phải lo chi phí phát sinh dọc đường”, anh Thuận chia sẻ.

Mỗi xe vận chuyển hàng cứu trợ, trong đó có nhiều loại hàng hoá khác nhau, có xe toàn gạo, có xe lại là thực phẩm, xà phòng, đồ dùng nhà bếp; có xe lại chở sữa, cá, thịt đóng hộp; xe chở quần áo, dép, sách vở học sinh. Rất nhiều xe từ các tỉnh, các nguồn khác nhau đến tập kết tại điểm nhà Thu – Dũng.

Tại đây thường xuyên có hàng chục người là người dân ở xung quanh tập hợp từ sáng đến tận đêm khuya (những đêm tôi ngủ lại ở đó, thấy người dân làm việc đến tận 2-3 giờ sáng), để bốc dỡ hàng, sắp xếp hàng cứu trợ thành từng gói, sao cho mỗi gói có những sản phẩm hợp lý, để tiện đưa lên các xe vận chuyển cỡ nhỏ đến các bản làng bà con bị thiên tai để phân phát.

Những anh lái xe vận chuyển hàng cứu trợ từ miền Nam ra Lài Cai, ngồi trên vệ đường ăn vội bát cơm 0 đồng, để kịp quay đầu xe trở về miền Nam. Ảnh: Chu Khôi. 
Những anh lái xe vận chuyển hàng cứu trợ từ miền Nam ra Lài Cai, ngồi trên vệ đường ăn vội bát cơm 0 đồng, để kịp quay đầu xe trở về miền Nam. Ảnh: Chu Khôi. 

Cùng với những xe 0 đồng tải trọng lớn vận chuyển đường xa từ các địa phương đến, tại tỉnh Lào Cai cũng hình thành đội xe 0 đồng tải trọng nhỏ, để vận chuyển hàng cứu trợ đến các bản làng, ngày đêm chở yêu thương đến người dân vùng ngập lụt, sạt lở để trao những xuất quà từ thiện đến tận tay bà con thật sự ấm lòng.

Anh Phan Nhật Quang, thôn làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng là một lái xe thiện nguyện tại đây, cho biết người dân huyện Bảo Thắng đã chung tay lập nhóm thiện nguyện kết nối vận chuyển những nhu yếu phẩm thiết yếu cho khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, những chuyến xe nghĩa tình, chuyến xe 0 đồng đã xuất phát, đong đầy những yêu thương đã được “khởi động” và lan toả đi khắp nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, với thông điệp "Kết nối, dẫn đường trở hàng cứu trợ".

“Để cùng chung tay với đồng bào khắc phục hậu quả sau mưa lũ, với  tinh thần "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách" của dân tộc, những ngày qua, tôi đã dùng 4 chiếc xe bán tải, từ 1,5 - 2,5 tấn của gia đình để vận chuyển hàng cứu trợ và nhu yếu phẩm giúp các đoàn thiện nguyện từ khắp các vùng miền đến với bà con ở các xã vùng tâm lũ gây sạt lở, do bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 tại các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng... trên địa bàn tỉnh”, anh Quang chia sẻ.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con