Ngân hàng “bơm” 405 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng lãi suất thấp để tái thiết sau bão số 3
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 vừa qua….
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần tổ chức chiều 21/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong vai trò cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã cùng các ngân hàng trong hệ thống triển khai nhiều giải pháp tiền tệ, tín dụng để đạt được mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng đã thực sự phát huy trách nhiệm, đồng thuận triển khai rất nhiều chính sách, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng như Ngân hàng Nhà nước như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, thúc đẩy tín dụng…
Trong thời gian hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cả hệ thống ngân hàng đã dành chính nguồn lực tài chính của mình để giảm 60 nghìn tỷ đồng lãi và phí.
Gần đây nhất, sau khi cơn bão số 3 xảy ra, dưới sự kêu gọi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đóng góp 40 tỷ an sinh xã hội hỗ trợ cho người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.
Cùng đó, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng quy mô 405 nghìn tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2%.
Ngoài ra, đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho những khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 mà không cần khách hàng đề nghị.
Chẳng hạn, BIDV triển khai Chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 với tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng. Cụ thể: 40.000 tỷ đồng cho các khoản vay hiện hữu và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng cho các khoản vay mới. Mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/09/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Nhằm kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão, lũ, Vietcombank đã triển khai chính sách giảm tới 0,5% lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 tại các địa phương thuộc khu vực bị ảnh hưởng.
Chương trình giảm lãi suất được áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng. Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lên tới 100 tỷ đồng.
Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 06/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 06/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
Đại diện Agribank cho biết sẽ khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ với đối với khách hàng trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ lụt như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
"Những ngày này, bão lũ đã qua đi nhưng vẫn còn rất nhiều hình ảnh địa phương gặp vất vả trong việc ổn định cuộc sống của người dân.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Thủ tướng Chính phủ đã có 10 công điện, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương để tìm giải pháp khắc phục sau cơn bão.
Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ;… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhanh chóng vào cuộc, làm việc với các địa phương, tổ chức tín dụng để bàn giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp".
Để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão, lũ, HDBank dự kiến dành gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn thông thường từ 1-2%. Ngân hàng cũng sẽ giảm 1% lãi suất của các khoản vay hiện hữu phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, lãi suất sẽ được giảm 2% trong 3 tháng đầu tiên so với lãi suất hiện hành, hoặc 0% cho tháng đầu tiên.
Song song, HDBank đã đăng ký giải ngân cho các lĩnh vực lâm, thủy sản và chương trình nhà ở xã hội tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Tới năm 2030, HDBank dự kiến giải ngân 100 nghìn tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, với mục tiêu tài trợ vốn xây mới 200.000 căn nhà.
Theo lãnh đạo TPBank, để chia sẻ với khách hàng, từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng đã thực hiện "3 giảm". Thứ nhất, giảm thủ tục, áp dụng đơn giản hóa các thủ tục. Thứ hai giảm các quy trình nội bộ chưa phù hợp và áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn để ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá được luôn mức độ tín nhiệm doanh nghiệp vay, xác định giá trị tài sản đảm bảo nhanh chóng. Thứ ba, TPBank cũng tích cực triển khai giảm lãi suất, trong 9 tháng đầu năm đã giảm lãi cho cho 13.500 khách hàng.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng năm 2024, TPBank đã chủ động giảm lãi suất khoảng 545 tỷ đồng, cộng với giảm 200 tỷ đồng tiền phí.
Đặc biệt, sau cơn bão số 3 vừa rồi gây nhiều thiệt hại cho khách hàng, TPBank cũng nhanh chóng ban hành chính sách giảm 50% lãi suất hiện hành đối với những khách hàng đang vay tại ngân hàng. Đối với những khách hàng vay mới, TPBank sẽ áp dụng nhiều chương trình lãi suất ưu đãi hấp dẫn.