ILO: Tăng lương nhưng năng suất giữ nguyên có thể gây ra lạm phát
Tổ chức Lao động quốc tế nhìn nhận, việc tiền lương tăng mà không tăng năng suất có thể tiếp tục gây ra lạm phát và từ đó lại ảnh hưởng đến việc làm của chính người lao động...
Đây là một trong những nội dung được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đề cập trong bản tổng thuật về Lương tối thiểu thay đổi ra sao trong khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao. Bản tổng thuật được gửi đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để phục vụ cho phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, dự kiến diễn ra vào giữa tuần sau.
LƯƠNG TỐI THIỂU TẠI VIỆT NAM TĂNG ỔN ĐỊNH VÀ NHẤT QUÁN
Bản tổng thuật này tập trung vào mức lương tối thiểu tại ASEAN. Theo ILO, trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có 8 quốc gia có quy định về mức lương tối thiểu là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Chính sách lương tối thiểu của mỗi quốc gia ASEAN này lại khác nhau. Mỗi quốc gia có hệ thống riêng để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu có tính đến các yếu tố như chi phí sinh hoạt, điều kiện kinh tế và động lực của thị trường lao động.
Một số nước ASEAN có một mức lương tối thiểu áp dụng toàn quốc, trong khi một số nước khác xây dựng nhiều mức lương tối thiểu khác nhau theo khu vực hoặc theo ngành.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là từ năm 2015 đến năm 2019, trước đại dịch Covid-19, các chính sách tiền lương trong khu vực đã được cải thiện đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại hệ thống lương tối thiểu ở các quốc gia theo hướng tốt hơn.
Năm 2022, mức lương tối thiểu hàng tháng ở các nước ASEAN theo các đặc thù riêng biệt, tạo thành ba nhóm rõ ràng.
Nhóm có mức lương tối thiểu thấp hơn bao gồm các nước áp dụng mức lương tối thiểu dưới 100 USD/tháng, nhóm giữa đạt mốc 200 USD/tháng và hai mức lương tối thiểu cao nhất tương ứng với các quốc gia Thái Lan và Malaysia, phản ánh thu nhập bình quần đầu người cao nhất trong số các quốc gia ASEAN.
Giá trị trung vị của mức lương tối thiểu năm 2022 là 179 USD/tháng. Điều này có nghĩa là 50% các quốc gia ASEAN có mức lương tối thiểu được ấn định dưới mức này, trong khi 50% còn lại có mức lương tối thiểu cao hơn.
“Như vậy trong khoảng thời gian này, mức lương tối thiểu trung vị của tất cả các nước ASEAN đã tăng từ 126 USD vào tháng 12/2015 lên 179 USD/tháng vào tháng 12/2022, tăng tổng cộng 25% hoặc tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 3,2%”, ILO thông tin.
Đáng chú ý, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đã có mức tăng vượt trội, thể hiện quỹ đạo đi lên đáng chú ý và nhất quán. Trong đó, Campuchia ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, từ 128 USD lên 194 USD. Indonesia tăng ổn định, từ 123 USD lên 181 USD.
Việt Nam thể hiện quỹ đạo tăng nhất quán, với mức lương tối thiểu tăng từ 119 USD vào tháng 12/2015 lên 168 USD vào tháng 12/2022. Gần nhất, Việt Nam thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022 với mức tăng trung bình là 6%, vượt xa tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2022. Nghị định số 38/2022/ND-CP đánh dấu mức tăng đầu tiên sau gần 2 năm rưỡi do đại dịch.
Malaysia có mức tăng nhảy vọt (tăng gần 50%), từ mức 230 USD lên 341 USD. Thời kỳ tăng lương tối thiểu đáng kể ở Malaysia diễn ra từ năm 2019 đến năm 2022.
Ngược lại với nhóm ở trên, một số nước ASEAN khác có mức biến động vừa phải hoặc tăng trưởng khá khiêm tốn. Thái Lan trải qua nhiều đợt biến động và kết thúc với mức tăng vừa phải, đạt 252 USD vào tháng 12/2022 từ mức 228 USD vào tháng 12/2015.
Philippines ghi nhận mức tăng vừa phải từ 151 USD lên 177 USD. Điều đáng nói là những quốc gia này có mức lương tối thiểu theo vùng khác nhau với biên độ chênh lệch lớn.
ILO cho rằng, chính sách lương tối thiểu khác nhau trong khu vực ASEAN đã dẫn đến sự đa dạng về mức lương tối thiểu.
ĐẢM BẢO TIỀN LƯƠNG ĐỦ SỐNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Trước những phân tích được đề cập về lương tối thiểu, ILO khuyến nghị rằng, các thiết chế lương tối thiểu cần tiếp tục tích cực bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp, và tránh cho họ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó bằng cách đảm bảo tiền lương của họ duy trì được sức mua, kể cả trong tình trạng lạm phát.
ILO nhấn mạnh rằng, lương tối thiểu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tiền lương đủ sống cho người lao động có thu nhập thấp, góp phần giảm bất bình đẳng và nghèo đói.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, vốn tác động nặng nề nhất đến những người lao động được trả lương thấp, mức lương tối thiểu phù hợp có thể bảo vệ và chống lại tác động chi phí sinh hoạt gia tăng.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu đủ sống và thường xuyên sẽ cải thiện đáng kể mức sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Điều quan trọng là phải điều chỉnh mức lương tối thiểu danh nghĩa để theo kịp lạm phát và đảm bảo cho những người lao động được trả lương thấp và gia đình họ một mức sống thỏa đáng.
Vấn đề cấp thiết nữa theo ILO là các quốc gia phải thực hiện các bước cần thiết để mở rộng phạm vi bao phủ của lương tối thiểu cho tất cả các nhóm người làm công ăn lương, bao gồm phụ nữ, thanh niên, người giúp việc gia đình, người lao động tại nhà và người lao động di cư, bất kể người lao động đó làm việc với hình thức thỏa thuận việc làm nào.
Bên cạnh đó, việc cần nhắc đến và đo lường nhu cầu của người lao động và gia đình họ để thúc đẩy công bằng xã hội, sự sẵn có của các bằng chứng về chi phí sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức lương thỏa đáng.
Điều này giúp cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận về việc liệu tiền lương tối thiểu có phù hợp hay khác với chi phí sinh hoạt hay không; đặc biệt quan trọng trong thời giá cả tăng.
Đồng thời, các yếu tố kinh tế cũng cần được tính đến khi xác lập mức lương tối thiểu, bao gồm khả năng chỉ trả của nhiều doanh nghiệp, cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô hơn cần cần nhắc.
Giá cả tăng cao tác động trực tiếp đến người lao động và gia đình họ, và có thể tác động đến doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Do đó, ILO cho rằng, việc phân tích mức độ ảnh hưởng của việc xác lập và điều chỉnh lương tối thiểu đến khả năng chi trả và năng suất của các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. "Tiền lương tăng mà không tăng năng suất có thể tiếp tục gây ra lạm phát và từ đó lại ảnh hưởng đến việc làm", ILO nhận định.