“Không có áp lực chọn sách giáo khoa, quyết tâm đi đến cùng đổi mới”
Ý kiến này được đưa ra tại buổi giám sát chuyên đề do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức vào chiều 8/2, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại quận Đống Đa, Hà Nội...
Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND quận Đống Đa, hàng loạt câu hỏi đã được đại biểu Quốc hội đặt ra với các cấp, ngành địa phương và với nhà trường, các thầy cô giáo.
KHÔNG CÓ ÁP LỰC LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA
Đặt chung một câu hỏi với 3 hiệu trưởng của 3 trường trên địa bàn quận Đống Đa “về việc có hay không sự gợi ý hay áp đặt trong lựa chọn sách giáo khoa?”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhận được chung một câu trả lời từ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên và Trường THCS Cát Linh “không có bất kỳ sự áp đặt nào trong lựa chọn sách giáo khoa, quá trình lựa chọn minh bạch, công khai và kết quả chọn sách giáo khoa đúng như ý kiến của giáo viên, nhà trường”.
Trả lời các câu hỏi của Đoàn giám sát về các điều kiện đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà Trịnh Đan Ly, Trưởng Phòng giáo dục đào tạo quận Đống Đa cho biết: Quận Đống Đa có đội ngũ giáo viên tương đối đầy đủ nhưng khó khăn cục bộ ở một số phân môn. Thời gian qua, các nhà trường chủ động ký hợp đồng, đảm bảo đầy đủ số lượng giáo viên để thực hiện chương trình.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở cấp Tiểu học và THCS đạt cao, cấp Tiểu học 94,5%, cấp THCS 97%. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn đội ngũ giáo viên được các nhà trường tích cực chủ động thực hiện. Quận cũng đã xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để trong lâu dài đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Thừa nhận giảm sỹ số học sinh/lớp là “bài toán khó giải”, song bà Ly cũng cho biết, quận vẫn phải có giải pháp nhưng cần một cơ chế đăc thù để thực hiện.
Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra cho giáo viên là so sánh chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chương trình năm 2006 và lựa chọn giảng dạy giữa hai chương trình này.
Cô giáo Hoàng Thị Đào, Trường THCS Cát Linh khẳng định “chương trình 2018 đổi mới hơn rất nhiều chương trình 2006, học sinh học chương trình mới cũng tích cực, hứng thú hơn nhiều”. Cái hay nhất của chương trình 2018 là kế hoạch giáo dục theo tính mở, giáo viên, nhà trường có sự chủ động rất cao và tạo thuận lợi nhất cho giáo viên.
Cũng cho rằng chương trình mới có nhiều điểm ưu việt, học sinh được phát triển phẩm chất năng lực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công Phạm Thị Phúc khẳng định “Chúng tôi quyết tâm đi đến cùng để thực hiện thành công chương trình”.
“QUYẾT TÂM TRIỂN KHAI CAO NHƯNG CẦN BÌNH TĨNH, TỰ TIN, LÀM TỐT TỪNG VIỆC”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự nghiêm túc trong công tác chuẩn bị cho hoạt động giám sát của quận, thông qua sự chuẩn bị có thể thấy được mức độ quan tâm tới giáo dục của địa phương.
Khẳng định quan điểm “không thể bàn lùi” trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng nhấn mạnh: Triển khai Chương trình là thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch của thành phố Hà Nội.... Chương trình đã có một quá trình lấy ý kiến từ nhiều phía, khảo sát xã hội rất lớn. Đây là một bản đại thiết kế, một kịch bản rất hệ trọng cho giáo dục.
Trong quá trình tiến hành phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện. Làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn.
Góp ý cho báo cáo gửi Đoàn giám sát của quận Đống Đa, Bộ trưởng đề nghị cần nêu thêm nội dung về nhận thức, tư tưởng, tinh thần, sự vào cuộc của các bên liên quan. Trong đó, làm rõ việc các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã nhận thức đến đâu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những việc cần làm. Từ cấp quận, phòng giáo dục đào tạo, lãnh đạo các trường, giáo viên đã làm gì là đã làm đúng vai hay chưa? Đặc biệt là sự thấu hiểu về chương trình của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường.
Đề cập tới vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, Bộ trưởng cho rằng, chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc thực sự thì những khó khăn như thừa thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ… mới giải quyết được. Với quận Đống Đa, chính quyền đã vào cuộc tích cực, tuy nhiên cần tiếp tục vào cuộc tốt hơn nữa.
Bộ trưởng cũng yêu cầu làm rõ hơn trong báo cáo nhóm vấn đề về chuyên môn. Theo đó, dù việc triển khai vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa nhìn thấy kết quả song cần đánh giá đường từng chặng, từng bộ phận, lãm rõ những việc đã làm tốt, những việc còn vướng mắc. Đặc biệt phải đánh giá được “phần lõi” là lực lượng nhà giáo, sự vào cuộc của đội ngũ, những thay đổi về kỹ năng, phương pháp của nhà giáo - khâu quyết định của đổi mới; cùng với đó là những thay đổi trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, quản trị trường học…
“Đổi mới là quá trình, không thể trong một sớm, một chiều. Quyết tâm triển khai cao nhưng cần hết sức bình tĩnh, tự tin, làm tốt từng việc. Những cái cơ bản, cốt lõi, không thể khác thì cần làm ngay, còn lại hoàn thiện dần và tăng cường kiến nghị”, Bộ trưởng chia sẻ.
Để triển khai tốt hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới, bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung truyền thông, tuyên truyền để xã hội, đặc biệt phụ huynh hiểu về chương trình mới, từ đó đồng hành với ngành Giáo dục, thầy cô, nhà trường.
Địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ, trong đó có việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Tiếp tục quan tâm mua sắm trang thiết bị dạy học, không để chậm hơn nữa. Quan tâm, rà soát, cập nhật bổ sung trong quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để giải quyết bài toán về diện tích trường học…