Không nên “ăn xổi” ở thị trường Lào

Chia sẻ

Doanh nghiệp Việt Nam không nên vì cái lợi trước mắt mà khai thác cơ hội theo kiểu “ăn xổi” ở thị trường Lào

Khách đến Lào thường ngạc nhiên bởi chợ hay siêu thị chỉ rậm rịch bán hàng lúc 9 giờ sáng và hết giờ hành chính, khoảng 4 giờ 30 chiều, là đóng cửa.
Khách đến Lào thường ngạc nhiên bởi chợ hay siêu thị chỉ rậm rịch bán hàng lúc 9 giờ sáng và hết giờ hành chính, khoảng 4 giờ 30 chiều, là đóng cửa.
Thị trường Lào đang mở ra những cơ hội làm ăn lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp không nên vì cái lợi trước mắt mà khai thác cơ hội theo kiểu “ăn xổi” ở thị trường này.

Khách đến Lào thường ngạc nhiên bởi chợ hay siêu thị chỉ rậm rịch bán hàng lúc 9 giờ sáng và hết giờ hành chính, khoảng 4 giờ 30 chiều, là đóng cửa. Vientiane lặng lẽ đến lạ thường.

“Một thị trường không cạnh tranh”, một vị khách phương Tây ngồi trong sảnh khách sạn LaneXang (có nghĩa là Triệu Voi) tại Vientiane nhận xét. Nhưng không hẳn như vậy. Môi trường kinh doanh ở Lào đang có những bước chuyển đáng chú ý, nhất là nó đang trở thành một thị trường quan trọng của Việt Nam.

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam

Tại cuộc gặp gỡ với các phóng viên hôm 8-8 ở thủ đô Vientiane, Tham tán Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Lào, ông Vũ Đình Tích, cho biết Việt Nam đã xuống hàng thứ ba về đầu tư sang Lào, sau Thái Lan và Trung Quốc (trước đây, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan). Trung Quốc trong vòng hai năm gần đây đã ào ạt đổ một lượng vốn và người rất lớn sang thị trường Lào. Còn Thái Lan, tuy vẫn còn những khúc mắc trong quan hệ với Lào nhưng vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất những mặt hàng rau quả, dệt may, hàng tiêu dùng... vào thị trường này.

Luật Đầu tư của Lào năm 2004 quy định nhiều lĩnh vực ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài như sản xuất hàng xuất khẩu, nông lâm nghiệp, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến... Với các dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư, các doanh nghiệp sẽ được miễn thuế lợi tức trong thời hạn nhất định (1-2 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động); lợi nhuận để tái đầu tư được miễn thuế lợi tức trong năm tài chính; miễn thuế nhập khẩu với các thiết bị, phương tiện máy móc phục vụ sản xuất trực tiếp và các nguyên liệu, bán thành phẩm nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu...

Với Việt Nam, bên cạnh chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu từ 0-5% cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào đang được áp dụng, hai nước cũng đang bàn cách cho phép vận tải hàng hóa qua biên giới và đẩy nhanh việc kêu gọi vốn đầu tư để xây dựng các trung tâm thương mại. Trước mắt là công trình xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Vientiane. Hai nước đã lập khu thương mại tự do ở cửa khẩu quốc tế Dansavan - Lao Bảo (Quảng Trị) và cho phép các tỉnh biên giới mở các cửa khẩu phụ và tổ chức 11 điểm chợ biên giới.

Theo đề nghị của Chính phủ Lào, Việt Nam sẽ giúp Lào xây dựng Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Lào phục vụ cho SEA Games 25 vào năm 2009 tại Lào với tổng mức đầu tư dự kiến 4 triệu USD và hoàn thành vào năm 2008.

Để hỗ trợ cho việc thanh toán của doanh nghiệp, năm 1999 Ngân hàng liên doanh Lào - Việt đã được thành lập với mức vốn điều lệ 10 triệu USD (nay là 15 triệu USD). Ngân hàng hiện đang đóng vai trò cầu nối trong việc trực tiếp tiếp thị và làm đầu mối thu xếp tài trợ cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; tư vấn, thông tin về thị trường Lào, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai công tác khảo sát, thu thập thông tin và quyết định đầu tư tại thị trường Lào.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Lào đang hướng đến mục tiêu đạt tổng giá trị 1 tỉ USD vào năm 2010 và nâng lên 2 tỉ USD vào năm 2015. Theo Bộ Thương mại, năm tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 124,9 triệu USD (tăng 29,5% so với cùng kỳ 2006).

Nên có chiến lược lâu dài

Trước năm 2000, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sang Lào để buôn xe máy, hàng Thái Lan, khai thác gỗ, khoáng sản. Cách thanh toán và phương thức mua bán hầu như tự phát nên hay xảy ra tranh chấp, nợ nần dây dưa. Sau năm 2000, xe máy không được vào Việt Nam theo phương thức hàng đổi hàng, còn Chính phủ Lào thì đóng của rừng nên một số doanh nghiệp chuyển sang chế biến gỗ hoặc quay về nước.

Hiện nay, số doanh nghiệp Việt Nam vào Lào đã tăng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có chiến lược làm ăn lâu dài. “Nhiều doanh nghiệp trong nước sang Lào chỉ với mục đích kiếm lời trong ngắn hạn nên không coi trọng việc tuân thủ pháp luật và quy chế, đến khi gặp tranh chấp kiện tụng mới đến nhờ đại sứ quán can thiệp. Điều đó gây ảnh hưởng không tốt tới quan hệ hai nước”, ông Tích cho biết.

Hiện nay, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam mới tập trung ở Nam Lào và một phần ở Trung Lào. Hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn (khoảng 12%) tại thị trường Lào. Trong khi đó, hàng Thái Lan và Trung Quốc lại rất phổ biến do hơn hẳn về giá cả hoặc chất lượng. Các chủ hàng Trung Quốc phát triển mạng lưới bán lẻ vào tận các ngõ ngách làng, bản của Lào. Họ chào bán các mặt hàng chất lượng vừa phải, đôi khi là thấp, với mức giá hợp với mức sống chưa cao của người Lào... Điều này các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được.

“Mặc dù đã có những ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu Việt - Lào (0%), nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết những thuận lợi này. Các doanh nghiệp đầu tư sang Lào thường khai thác các sản phẩm, nguyên liệu thô, sau đó xuất khẩu nên giá trị chưa cao. Trong khi đó, nếu đầu tư chế biến các sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu trực tiếp từ Lào thì có thể đạt hiệu quả cao hơn do được miễn thuế xuất khẩu”, ông Tích nói.

Lào có nhiều tài nguyên khoáng sản, có lợi thế về thủy điện, trồng rừng, tuy nhiên, khả năng khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn thấp. Trò truyện với báo giới, Trưởng đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào tại Lào, ông Hoàng Cung Thượng Nhân, cho biết doanh nghiệp trong nước chưa xây dựng được những chiến lược đầu tư lâu dài ở Lào do vẫn còn quen ăn xổi ở thì. Bên cạnh đó, công tác thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp cũng hạn chế.

Theo ông Tích, bên cạnh Nghị định 78 về đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam cần có hướng dẫn riêng cho các doanh nghiệp đầu tư vào Lào, có quy chế quản lý các doanh nghiệp sang hoạt động tại Lào.

Về phía các doanh nghiệp, ông Tích cho rằng nên nghiên cứu đầu tư trực tiếp vào một số lĩnh vực như trồng rừng, khai thác khoáng sản, thủy điện... thông qua mua quyền khai thác rừng, quyền khai thác mỏ, xây dựng các nhà máy chế biến khoáng sản để xuất khẩu tại chỗ hoặc xây dựng nhà máy sơ chế để nhập khẩu về nước làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam.

* Thủy điện là lĩnh vực hút vốn nhiều nhất

Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam cho biết thủy điện là lĩnh vực chiếm số vốn lớn nhất trong các dự án đầu tư vào Lào và hợp tác về năng lượng sẽ là trụ cột mới trong quan hệ hai nước.

Từ năm 1998, Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác về năng lượng điện. Và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào có vốn điều lệ 5.300 tỉ đồng (khoảng 330 triệu USD) với các cổ đông lớn là Tổng công ty Sông Đà, tập đoàn Dầu khí và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã ra đời. Công ty là chủ đầu tư của dự án thủy điện Xêcamản 3 (khởi công đầu năm 2003) - một trong những nguồn điện lớn để cung cấp cho Việt Nam.

Theo ông Hoàng Cung Thượng Nhân, Xêcamản 3 có công suất thiết kế 250 MW, được xây dựng tại tỉnh Sêcông với tổng mức đầu tư khoảng 273 triệu USD, chiếm hơn nửa tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào. Dự kiến nhà máy này sẽ phát điện vào cuối năm 2010 với sản lượng trung bình khoảng 1 tỉ kWh/năm.

Công ty cũng đã khởi công dự án Xêcamản 1 với công suất lắp máy 322MW và mức đầu tư trên 380 triệu đô la. Công ty cũng đang nghiên cứu đầu tư các dự án Xêcamản 4 và 2 và một số dự án khác với tổng công suất là 1.360 MW và tổng vốn đầu tư khoảng 1,7 tỉ USD.


Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con