Kiến nghị gói vay ưu đãi 25.000 tỷ "cấp cứu" hàng không
Báo động hàng không Việt "gánh nợ" ngắn hạn 36.000 tỷ đồng, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất sớm áp dụng "hộ chiếu vaccine", hỗ trợ vốn ưu đãi khẩn cấp để “giải cứu” các hãng...
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số giải pháp khẩn cấp để “giải cứu” các hãng hàng không.
SỐ NỢ 3 HÃNG CHẠM NGƯỠNG 36.000 TỶ ĐỒNG
Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng không Bùi Doãn Nề cho biết, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu. Riêng tháng 5 và 6, doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020, khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao.
Trước đó, trong năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt giảm trên 60%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động hàng không của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lên tới 16.000 tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.
ĐỀ XUẤT NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH CÁCH LY
Trước thực trạng trên, Hiệp hội vận tải hàng không đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine. Từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Ngày 14/6 vừa qua, các chủ tịch của Nghị viện châu Âu, Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu đã chính thức ký ban hành Quy định về áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại ở khu vực châu Âu. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021 – 31/6/2022.
Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vaccine trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vaccine.
Tại Việt Nam, một tín hiệu tích cực, là Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về lộ trình điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có "hộ chiếu vaccine". Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng liên quan để nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập cảnh.
Cụ thể, thúc đẩy công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng - hộ chiếu vaccine; xem xét giảm thời gian cách ly và số lần xét nghiệm đối với những người đã được tiêm vaccine và đáp ứng kết quả xét nghiệm y tế; đề xuất lộ trình mở rộng các đối tượng được xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan và tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ triển khai thí điểm đối với một số trường hợp nhập cảnh qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, xuống còn 7 ngày cách ly tập trung.
Người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn kể từ ngày 1/7 dự kiến sẽ được quản lý theo phương án cách ly phòng chống Covid-19 mới. Với các đối tượng đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh không quá 12 tháng kể từ thời điểm xuất viện, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ sáu. Đồng thời, có xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính. Sau 7 ngày cách ly tập trung, người nhập cảnh tiếp tục cách ly tại nhà đủ bảy ngày và theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.
Đối với đối tượng nhập cảnh chưa tiêm đủ liều vaccine thì phải cách ly tập trung đủ 14 ngày và theo dõi sức khỏe 14 ngày. Các đối tượng ngoại giao, công vụ cấp cao do Bộ Ngoại giao quy định cách ly tại nhà 14 ngày.
Trước đó, theo quy định về phương án phòng chống Covid-19 trước đó Cục Hàng không Việt Nam gửi các cảng vụ hàng không khu vực, các hãng hàng không và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam điều chỉnh thời gian cách ly tập trung hiện tại từ 14 ngày lên ít nhất 21 ngày.
"CẤP CỨU" VỐN ƯU ĐÃI CHO DOANH NGHIỆP HÀNG KHÔNG
Tuy nhiên, để cầm cự được, điều các hãng hàng không cần ngay thời điểm này là vốn. Vì thế, ông Bùi Doãn Nề kiến nghị mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.
“Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động hai lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng, để hỗ trợ hãng thanh khoản”, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng, cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%.
Hiệp hội này cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3 - 5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển.
Bên cạnh đó, với những diễn biến và thiệt hại khó lường của đại dịch Covid 19, dòng tiền, nguồn lực tài chính của các hãng hàng không bị cạn kiệt. Vì thế, Hiệp hội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 VND/lít cho các hãng hàng không đến 30/06/2022. Hiện mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng cho năm 2021 là 2.100 đồng/lít, tương đương mức giảm 30%.