Kinh tế Trung Quốc đạt mục tiêu 2024, tăng tốc mạnh trong quý 4
“Kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những tín hiệu hồi sinh, nhờ động lực từ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu”...
Nền kinh tế Trung Quốc kết thúc năm 2024 trong trạng thái tốt hơn kỳ vọng nhờ một loạt biện pháp kích thích được triển khai, dù mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và nhu cầu ảm đạm của thị trường trong nước có thể khiến niềm tin về sự phục hồi rộng hơn trong năm 2025 trở nên mong manh.
Xuất khẩu - một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc - có thể đương đầu với trở ngại lớn khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tuần tới, mang theo lời đe dọa áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc.
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố sáng 17/1 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 ở mức 5%, phù hợp với mục tiêu mà Bắc kinh đề ra là tăng trưởng “khoảng 5%”. Mức tăng này cũng cao hơn so với dự báo tăng trưởng 4,9% mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Trong quý 4, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích và đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ quý 2/2023. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các nhà phân tích dự báo GDP quý 4 của Trung Quốc tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng tốc từ mức 4,6% ghi nhận trong quý 3 nhờ một loạt biện pháp kích thích tăng trưởng được triển khai vào cuối năm.
“Kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những tín hiệu hồi sinh, nhờ động lực từ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu”, nhà kinh tế trưởng về châu Á của ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, ông Frederic Newmann, nói với Reuters.
Tuy nhiên, ông Newmann nói thêm rằng tăng trưởng GDP quý 4 có thể đã được đẩy mạnh bởi việc các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường nhập hàng hóa từ Trung Quốc để tích trữ trước khi ông Trump nhậm chức. Điều này có thể dẫn tới sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc một khi ông Trump bắt đầu áp thuế áp thuế quan.
“Khi xuất khẩu đương đầu với áp lực trong năm 2025 do các biện pháp hạn chế của Mỹ, chắc chắn nhu cầu kích thích kinh tế trong nước của Trung Quốc sẽ cao hơn”, vị chuyên gia nhận định.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chật vật kể từ sau đại dịch Covid-19, với đợt phục hồi ban đầu nhanh chóng suy yếu và trạng thái ì ạch kéo dài. Khủng hoảng bất động sản tiếp diễn, nợ của các địa phương chồng chất và nhu cầu yếu của người tiêu dùng đang đè nặng lên các hoạt động kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết sẽ có nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn trong năm nay, nhưng giới phân tích cho rằng phạm vi và quy mô các biện pháp kích thích của Bắc Kinh có thể phụ thuộc vào việc ông Trump triển khai thuế quan hoặc các biện pháp trừng phạt khác nhanh chóng và quyết liệt như thế nào.
Dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh đưa thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 992 tỷ USD vào năm ngoái, đồng nhân dân tệ vẫn chịu áp lực bán ra. Các yếu tố gồm đồng USD trong xu hướng tăng giá, lợi suất trái phiếu Trung Quốc giảm sâu, và mối đe dọa thuế quan đã kết hợp đẩy đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 16 tháng trong thời gian gần đây.
Các số liệu kinh tế tháng 12 mà NBS công bố ngày 17/1 đều cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã ít nhiều tìm được động lực mới khi bước sang năm 2025 nhờ các biện pháp kích thích đã triển khai.
Ngay cả lĩnh vực bất động sản cũng có tín hiệu tích cực, với giá nhà mới ổn định trong tháng 12 - lần đầu tiên không giảm kể từ tháng 6/2023. Nhưng tính cả năm, đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đã giảm 10,6% so với năm trước, đánh dấu mức giảm hàng năm lớn kỷ lục.
Sản lượng công nghiệp tháng 12 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn tốc độ tăng 5,4% của tháng 11 và vượt mức dự báo tăng 5,4% trong cuộc thăm dò của Reuters. Đây cũng là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái của lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc.
Doanh số bán lẻ - thước đo nhu cầu tiêu dùng - tăng 3,7% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn so với tốc độ tăng 3% trong tháng 11. Nhu cầu tăng tốc được cho là xuất phát một phần từ việc người tiêu dùng bắt đầu chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 8 ngày vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2.
“Trung Quốc sẽ cần tới chính sách kích cầu lớn và kéo dài để thúc đẩy sự phục hồi và duy trì đà phục hồi đó. Để chống lại sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp, lập trường chính sách tài khóa cần tích cực hơn”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận định.
Do nhiều doanh nghiệp ngại thuê thêm nhân công trước kỳ nghỉ lễ và một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc dựa trên khảo sát tăng lên mức 5,1% trong tháng 12, từ mức 5% vào tháng 11. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn.