Kinh tế tư nhân: Cái khó bó cái khôn
Doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với không ít rào cản đến từ rủi ro chính sách, thủ tục đầu tư kinh doanh, phương án tiếp cận vốn
Trước khi nghĩ về những giấc mơ lớn, doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt với không ít rào cản đến từ rủi ro chính sách, thủ tục đầu tư kinh doanh, phương án tiếp cận vốn…
"Chậm lớn" hay "không muốn lớn"?
Có thể nói, chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay. Với hàng loạt nghị quyết, chính sách thúc đẩy phát triển được ban hành, vận dụng thời gian qua, kinh tế tư nhân đang dần được tạo điều kiện để "bước ra ánh sáng" với vai trò là chủ thể xương sống của nền kinh tế.
Trong đó nòng cốt chính là các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Tuy vậy, bên cạnh những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vẫn còn đó không ít vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.
Cuối năm 2018, giới doanh nghiệp cả nước xôn xao trước bức tâm thư gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ của một doanh nhân ở Hải Phòng.
Tâm thư của vị doanh nhân đã giãi bày 10 "đoạn trường" đi qua các cửa ải thủ tục hành chính khi đầu tư dự án. Qua đó, ông Thắng khẳng định, nếu những bất cập của bộ máy hành chính không sớm giải quyết thì "mọi sự sẽ trì trệ và doanh nghiệp không chết mới lạ".
Trong đó, đáng chú ý có những vụ việc như hành trình 10 năm (2008 - 2018) để được cấp sổ đỏ cho một khu nuôi tôm công nghệ cao hay 11 năm mới được cấp bìa đỏ cho một dự án khác nhưng không được sử dụng vì quy hoạch đã bị thay đổi; 3 năm không xin được mỏ đá phải đóng cửa nhà máy; trường học được cho tặng nhưng phải thực hiện tới 23 thủ tục mới được đưa vào sử dụng…
Để nói về những bất cập của thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, có lẽ không ai "thấm" như các doanh nghiệp bất động sản. Tháng 4/2019 vừa qua, Hiệp hội bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) có công văn số 28/CV- HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận một loạt kiến nghị của doanh nghiệp về những ách tắc hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong đó chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch hạ tầng cơ sở hay các vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất, giấy phép cho công trình ngầm... đang làm đình trệ dự án của các chủ đầu tư này.
Từ thực trạng đó, HoREA đã đề nghị Thành phố tháo gỡ điểm nghẽn về đất công, quy định về đất ở hợp pháp... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hỗ trợ sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, sự thiếu nhất quán của các văn bản luật, thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và đặc biệt liên tục phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra... là những rào cản "tiêu biểu" dễ khiến doanh nghiệp nản lòng.
Cụ thể hơn, năm 2018, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện khảo sát và chỉ ra 37 vướng mắc phổ biến với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư. Trong đó có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định; 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định; 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể và 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) từng nhận định: "Nếu là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp chỉ phải đối diện với rủi ro thương trường thì ở đây ngoài thị trường, họ đối diện với hàng loạt rủi ro từ chính sách, thể chế. Vì thế dù phát triển nhanh, doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ dám nép mình trong chừng mực nào đó, họ không muốn lớn, không dám lớn".
Rõ ràng, trong khi cả nước đang hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và kỳ vọng sở hữu nhiều hơn nữa những "người khổng lồ" như Vingroup, Sun Group, Thaco… để thúc đẩy tăng trưởng thì ở đâu đó trong nền kinh tế vẫn có những rào cản kìm hãm sự phát triển, khát vọng "hóa rồng" của khối doanh nghiệp tư nhân.
Thúc đẩy khát vọng vươn tầm
Như đã nói, việc doanh nghiệp "chậm lớn" hay " không muốn lớn" là một thực trạng đáng lo ngại. Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự hạn chế về quy mô vốn là một trong những trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được nhiều cơ hội để đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn.
Doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vào máy móc công nghệ, tài sản cố định để giảm chi phí và phần nhiều là lo ngại về những rào cản và hạn chế thủ tục hành chính như sự không thống nhất giữa các luật…
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm, nếu môi trường kinh doanh không có sự bứt phá quyết liệt hơn và đổi mới thực chất hơn thì rất khó cho doanh nghiệp phát triển. Làm sân bay quốc tế trong 2 năm, xây dựng nhà máy ô tô trong 21 tháng - những kỳ tích này sẽ rất khó lặp lại nếu các rào cản về cơ chế chính sách, điều kiện đầu tư kinh doanh… không được cởi bỏ.
Nhìn nhận thực tế đó, phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội mới đây, Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…
"Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt", ông So khẳng định.
Kinh tế tư nhân và câu chuyện "cái khó bó cái khôn" sẽ tiếp tục nóng trong những diễn đàn kinh tế tới đây cho đến khi doanh nghiệp tư nhân thực sự có một "đường đua" tốt và một "bệ phóng" vững chắc để "hóa hổ, hóa rồng" trong tương lai.