Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?

Thanh Xuân
Chia sẻ

Đã có những học sinh của trường phải đối mặt với tình trạng căng thẳng từ lâu và dịch bệnh càng làm nặng thêm tình trạng này khiến các em thêm chán nản…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Covid-19 bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 và thực sự gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống ngay từ đầu năm 2020, trong đó có cả giáo dục. Dịch bệnh đã cản trở bước chân tới trường của hàng triệu học sinh, sinh viên không chỉ gây khó cho ngành giáo dục, mà còn tác động trực tiếp đến tâm lý học sinh khi phải học trực tuyến kéo dài.

NHIỀU HỌC SINH RƠI VÀO TÌNH TRẠNG STRESS, CĂNG THẲNG

Trong cuộc tọa đàm: “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?” tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ thuộc quận 4, TP.HCM vừa qua, thông tin từ nhà trường cho biết, có  học sinh của trường phải xin bảo lưu kết quả học tập khi đang học lớp 10 mà trước giờ em đều đạt được nhiều thành tích trong học tập. Theo chia sẻ nhà trường nhận được, ngay từ năm học lớp 9 vào thời điểm liên tục xuất hiện những đợt lên lớp trực tuyến, em thường có biểu hiện không thích học, mệt mỏi, không tiếp thu được bài nhưng vẫn một mình xoay xở ở nhà với việc học online. Cho đến mới đây, khi đi học trực tiếp trở lại do không thể hòa nhập nên em xin nghỉ học. Đến lúc này, gia đình đưa em đi khám tâm lý thì được chẩn đoán có dấu hiệu lo âu, trầm cảm chuyển nặng.

Tương tự cũng tại tọa đàm, nhiều em đã chia sẻ về việc rơi vào trạng thái stress, căng thẳng, cô đơn tột cùng. Đáng chú ý khi một học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ: "Em đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý từ lâu và dịch bệnh càng làm tăng lên tình trạng này. Em hướng nội, rất ít bạn bè, học online lại nên việc tiếp xúc hạn chế hơn. Em chán nản gần nửa năm nay. Khi đi học lại không thể kết nối với bạn mới, mọi người nhìn em như kẻ lập dị làm em trầm cảm thêm".

Không chỉ gần đây tình trạng học sinh căng thẳng do học trực tuyến kéo dài mới được chia sẻ mà trước đó trên một số diễn đàn đã có phụ huynh lên tiếng về vấn đề này. Chị Dương Giang ngụ tại quận Bắc Từ Liêm có hai cậu con trai, một học lớp 8, một học lớp 11 cho biết: gia đình rất cố gắng kiểm soát chi tiêu để cho con học trường tư thục với học phí rất cao vì muốn con được tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên khi  dịch bệnh dồn dập ập tới, cả hai con chị đều phải học ở nhà với thời khóa biểu dày đặc 2 buổi/ngày như học trực tiếp.

Chị kể những giờ học trước kia lẽ ra là trải nghiệm thực tế hoặc hoạt động nhóm, giao lưu tập thể... thì nay thay bằng việc ngồi trong 4 bức tường học trên máy tính. Do vậy, hai cậu bé vốn hiếu động, thích khám phá giờ có khi cả ngày ngồi lì trong phòng, nói chuyện cũng vài câu ngắn gọn hoặc bố mẹ hỏi gì thì trả lời cho xong. “Tôi rất lo lắng bởi nếu cứ tiếp diễn thì các con đến trầm cảm mất thôi”, chị Giang tâm sự.

Theo các chuyên gia, sức khoẻ và sự an toàn là ưu tiên hàng đầu nên học trực tuyến được xem như một lựa chọn tốt nhất trong thời gian này. Mặc dù không thể phủ nhận mặt tích cực nhưng học trực tuyến kéo dài cũng mang lại đến rất nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề tâm lý. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu hay thống kê đầy đủ về thực trạng sức khoẻ tâm thần của học sinh trong giai đoạn học online, dưới tác động của Covid-19.

 HÃY KẾT NỐI VÀ CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT CỦA MỖI NGƯỜI

Nêu quan điểm ở buổi tọa đàm tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, phía nhà trường cho rằng tình trạng lo âu và rối loạn tâm lý trong thời gian dài là rất nguy hiểm. Đặc biệt với thời gian học tập trực tuyến chiếm phần lớn đã hạn chế tiếp xúc, giao tiếp càng khiến học sinh dễ rơi vào tình trạng bất ổn. Nhưng đáng lo ngại nhất là hiện nay có nhiều em chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính gia đình, nhà trường. Vì vậy đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách giúp các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra.

Chia sẻ thêm, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng Đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, nhìn nhận:  “Không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm. Nếu các bạn học sinh tự cảm nhận thấy những cảm xúc chưa tốt, chưa tích cực thì hãy cố gắng nói với bạn thân, những người trong gia đình. Khi cần thiết hơn, các bạn hãy tìm đến chuyên gia tâm lý. Chúng tôi đã gặp nhiều học sinh có biểu hiện căng thẳng. Đặc biệt dịch khi Covid-19 ập đến cộng với áp lực từ việc học hành khiến những học sinh đó rơi vào tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, ngay từ giờ phút này các bạn học sinh hãy kết nối với nhau, kết nối và chấp nhận sự khác biệt của mỗi người".

Đặc biệt, vị bác sĩ còn lưu ý người lớn không nên áp đặt suy nghĩ và cách giáo dục một chiều mang tính chủ quan của mình lên các con mà phải thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các con. Từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp để tránh cho trẻ rơi vào trạng thái ức chế tâm lý, phản ứng một cách quyết liệt hoặc phải miễn cưỡng chịu đựng sự áp đặt.

Cũng trăn trở khi thực tế đã được nghe hay chứng kiến nhiều câu chuyện về chủ đề liên quan, các chuyên gia tâm lý cho biết: khi học trực tuyến tại nhà thì các em bị cô lập về mặt xã hội và cảm xúc, thiếu các hoạt động vận động, thiếu các tài nguyên học tập, thiếu các phương tiện công nghệ để học. Vì vậy, các em có thể thay đổi tâm lý từ một người hoạt bát, vui vẻ bộc lộ các dấu hiệu như chán nản, buồn, bối rối, giảm hứng thú, bất an, bồn chồn, mất tập trung, mệt mỏi, khó quản lý cảm xúc, rút lui…

Đặc biệt, nhiều trẻ từng học rất giỏi nhưng bất ngờ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu vì không kịp tiếp thu kiến thức thông qua học trực tuyến như việc học trên lớp. Đã có nhiều thông tin, trẻ không hiểu hết được bài khi học trực tuyến nhưng không biết hỏi ai hoặc sợ phải hỏi lại cha mẹ, thầy cô nên lo âu dẫn tới trầm cảm và có suy nghĩ tiêu cực, nguy hiểm đến sức khỏe, sinh mạng.

Theo các chuyên gia tâm lý, các bạn phải biết rõ mình cần gì. Đừng chỉ học chăm chỉ mà nên học một cách thông minh. Nếu bạn đang gặp vấn đề tâm lý thì hãy giải quyết nó, tìm đến phòng Tham vấn tâm lý học đường của trường hoặc gặp chuyên gia có kinh nghiệm chứ đừng âm thầm gặm nhấm nỗi lo một mình.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con