Luật Đất đai không thể là luật khung, luật ống mà cần cụ thể, chi tiết
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội cho rằng Luật Đất đai không thể là luật khung, luật ống mà cần cụ thể, chi tiết để đảm bảo các cấp, các ngành và nhân dân dễ thực hiện và sớm đi vào cuộc sống…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn vừa chủ trì hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị đã khẳng định đất đai là vấn đề hệ trọng, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Luật Đất đai năm 2013 sau khi ban hành đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị.
Đồng thời tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; Việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; Thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định.
Ngoài ra, cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; Tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; Năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; Xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân; Nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; Khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế...
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó, giữ nguyên 48 điều; sửa đổi 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều đã quán triệt các văn bản chủ trương của Đảng và Nhà nước về đất đai, hoàn thiện các cơ chế chính sách tài chính về đất đai đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Với mục đích góp phần hoàn thiện Luật đất đai phù hợp với thực tiễn, các đại biểu cũng đã đưa ra hàng loạt kiến nghị liên quan đến công tác thu hồi đất; giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng quỹ đất; vai trò của Mặt trận tổ quốc trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội trong công tác thu hồi đất, định giá đất...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội nhấn mạnh, Luật Đất đai không thể là Luật khung, Luật ống mà cần cụ thể chi tiết để đảm bảo các cấp, các ngành và nhân dân dễ thực hiện và sớm đi vào cuộc sống.