Luật đấu thầu (sửa đổi): Giảm một số trường hợp chỉ định thầu
Dự thảo Luật đấu thầu sau khi được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội đã có nhiều điểm mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, bỏ quy định chỉ định thầu với gói thầu tái định cư. Ngoài ra, chỉnh lý quy định chỉ định thầu với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế...
Ngày 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
GỠ VƯỚNG TRONG ĐẤU THẦU MUA SẮM THUỐC, HÓA CHẤT, VẬT TƯ Y TẾ
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật. Theo đó rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan.
Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, nhất là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.
Chỉ định thầu sẽ được áp dụng trong các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị vật tư y tế, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong đấu thầu. Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Cụ thể, ông Mạnh cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản liên quan về chỉ định thầu trong mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm; áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm tập trung; Bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.
Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, làm việc với các bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia, một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo.
Cụ thể, chỉ định thầu sẽ được áp dụng trong các gói thầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế, vật tư y tế, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Cùng với đó là gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ…
BỎ QUY ĐỊNH ÁP DỤNG CHỈ ĐỊNH THẦU ĐỐI VỚI GÓI THẦU TÁI ĐỊNH CƯ
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu.
Theo đó, ông Mạnh cho biết, đã bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được.
Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án.
Thực tế trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, tiêu cực, một số tổ chức, cá nhân đã có các hành vi cố tình “thông thầu”, vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu, dẫn đến thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của Luật, góp phần hạn chế hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.
Dự thảo cũng chỉnh lý quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn theo hướng áp dụng đối với một số gói thầu có tính đặc thù, liên quan đến bản quyền tác giả hoặc phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ. Chỉnh lý quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra đã luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu đã được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính có đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu để bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Cũng có một số ý kiến đề nghị xem xét Luật hóa Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt” để bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019, bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của dự thảo Luật.
Cùng với đó quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo hướng chỉ quy định một cấp phê duyệt và chịu trách nhiệm.
Để đảm bảo bao quát những trường hợp cấp bách, phát sinh áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, dự thảo luật quy định Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngoài những trường hợp đã được quy định trong luật.