Nasdaq phục hồi bất thành, giá dầu giằng co
Trong tháng 4 này, S&P 500 đã giảm 7,7%; Nasdaq mất 12,2%; và Dow Jones giảm gần 4%...
Chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức đáy của năm 2022 trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (27/4), một ngày sau phiên giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Chứng khoán Mỹ cho thấy nỗ lực hồi phục từ đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trong tháng 4, nhưng gặp nhiều trở ngại.
Giá dầu cũng giằng co giữa những yếu tố tác động trái chiều.
Nasdaq có lúc tăng 1,7% trong phiên này, nhưng cuối cùng chốt phiên giảm 0,01%, còn 12.488,93 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 61,75 điểm, tương đương tăng 0,2%, chốt ở 33.301,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,2%, chốt ở 4.183,96 điểm.
“Thị trường đang cố gắng tìm kiếm một sự ổn định. Chúng ta cần một vài công ty nữa đưa ra kết quả kinh doanh thực sự mạnh, đáng tin cậy và bền vững để nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu trở lại”, CEO Karri Firestone của Aureus Asset Management phát biểu.
Phiên này, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường, khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về doanh thu và lợi nhuận quý đầu năm của các công ty công nghệ vốn hoá lớn.
Cổ phiếu Microsoft tăng 4,8%, tạo ra lực hỗ trợ quan trọng cho các chỉ số, nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Không chỉ công bố doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo, Microsoft còn đưa ra dự báo tích cực về thời gian tới.
Visa tăng gần 6,5%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trong Dow Jones, cũng nhờ kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng.
Trong khi đó, Alphabet giảm 3,6% sau khi đưa ra kết quả kinh doanh không đạt dự báo. Cổ phiếu Boeing giảm 7,5% cùng vì lý do tương tự, trở thành trở ngại lớn nhất trong Dow Jones.
Nhà đầu tư đang chờ báo cáo của Meta, Apple và Amazon, để xem các kết quả này có thể chứng minh việc bán tháo trong tháng 4 là sai.
“Chúng tôi vẫn đang rất thận trọng. Theo quan điểm của chúng tôi, xu hướng của thị trường vẫn là đi xuống. Điều này có nghĩa là những phiên phục hồi nho nhỏ chỉ có tác dụng làm dịu thị trường trong ngắn hạn”, chuyên gia Jonathan Krinsky của BTIG phát biểu.
Nasdaq hiện đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), giảm 23% so với đỉnh. S&P 500 giảm 13,2% so với kỷ lục mọi thời đại và đang ở dưới ngưỡng hỗ trợ chủ chốt 4.200 điểm.
Trong tháng 4 này, S&P 500 đã giảm 7,7%; Nasdaq mất 12,2%; và Dow Jones giảm gần 4%.
“Tác động của lạm phát dai dẳng, Fed thắt chặt chính sách, chiến tranh ở Ukraine, và chính sách zero Covid của Trung Quốc đã tạo ra những ‘cơn gió chướng’ đối với nhà đầu tư trong tháng 4”, chiến lược gia Art Hogan của National Securities phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,33 USD/thùng, chốt ở mức 105,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,3%, chốt ở 102,02 USD/thùng.
Phiên này, giá “vàng đen” đương đầu áp lực giảm từ đồng USD tăng mạnh và tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, nguồn cung dầu tại Mỹ- nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới - vẫn thắt chặt. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho chỉ tăng nhẹ trong tuần qua, trong khi tồn kho các sản phẩm từ dầu thô giảm.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, với chỉ số Dollar Index vượt 109 điểm.
“Thị trường đang ngại rủi ro, vì đồng USD mạnh và hạn chế đi lại ở Trung Quốc”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS phát biểu.
Báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô tăng 692.000 thùng trong tuần trước, ít hơn dự báo. Tồn kho các sản phẩm chưng cất từ dầu thô, gồm dầu diesel và nhiên liệu máy bay, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008.
Thị trường năng lượng toàn cầu vẫn đang ứng phó với nguy cơ gián đoạn nguồn cung quy mô lớn do dòng năng lượng từ Nga suy giảm vì ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine. Hãng dầu lửa Shell của Anh cho biết sẽ không tiếp tục chấp nhận dầu tinh luyện có thành phần là các sản phẩm dầu Nga. Exxon Mobil của Mỹ tuyên bố đã rút khỏi dự án dầu khí Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông của Nga.
Trong khi đó, từ ngày 27/4, Nga đã cắt cung cấp khí đốt cho hai nước châu Âu là Bulgaria và Ba Lan.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cáo buộc Nga dùng năng lượng để “tống tiền” EU, nhưng nói thêm rằng kỷ nguyên của năng lượng hoá thạch Nga ở châu Âu đang đi đến hồi kết.