Nga khẳng định nền kinh tế vẫn ổn dưới sức ép trừng phạt
Theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), nền kinh tế Nga đang tiếp tục chứng tỏ sức chống chịu dù chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây...
Trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 vừa được công bố, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết tăng trưởng kinh tế Nga những tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc nhờ chuyển biến tích cực về nhu cầu tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu. Do đó, CBR quyết định không thực hiện điều chỉnh lãi suất cơ bản.
Theo biên bản, các nhà hoạch định chính sách tại CBR tại cuộc họp tỏ ra ngạc nhiên về sức chống chịu của người tiêu dùng Nga, nhờ thu nhập hộ gia đình cũng như hoạt động vay nợ gia tăng. Tiền tiết kiệm trong nền kinh tế Nga cũng tăng lên, đảo ngược xu hướng đi xuống hồi đầu năm.
“Điều này phù hợp với sự tăng trưởng đầu tư cũng như vị thế tài chính ổn định của các công ty lớn nhất tại Nga”, CBR cho biết trong thông cáo biên bản cuộc họp công bố ngày 1/4, dù không nêu cụ thể các con số.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng trước của CBR, chỉ số về môi trường kinh doanh tại Nga đang ở mức tốt nhất trong vòng 12 tháng qua. Cơ quan này cũng cho biết hoạt động sản xuất và kỳ vọng về nhu cầu đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2013.
Theo hãng tin Bloomberg, tại cuộc họp chính sách tháng 3, CBR giữ lãi suất cơ bản ở mức 16% với mục tiêu tiếp tục kiểm soát các rủi ro lạm phát do xung đột với Ukraine. Trong biên bản, ngân hàng này không đề cập tới định hướng lãi suất trong thời gian tới mà chỉ nhấn mạnh sẽ “duy trì môi trường tiền tệ thắt chặt trong một thời gian dài”.
“Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Nga đã có thể thích nghi phần nào trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt với tình trạng thanh toán và logistics phức tạp hơn. Hoạt động xuất khẩu đang phục hồi và nguồn thu ngoại tệ cũng vậy”, biên bản cuộc họp nêu rõ.
Trong biên bản, CBR cũng chỉ ra sự gia tăng gần đây của giá cả hàng hóa và hoạt động xuất khẩu, một nguồn thu chính của điện Kremlin giữa lúc Nga đối mặt chi phí chiến tranh và chi phí tiêu cho an sinh xã hội khổng lồ.
Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây sau khi xung đột quân sự giữa nước này và Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022.
Gần đây nhất, Mỹ siết chặt giám sát việc áp đặt trần giá dầu đối với dầu thô và sản phẩm dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời trừng phạt nhiều công ty, chủ tàu và tàu chở hàng có liên quan tới các giao dịch vận chuyển dầu Nga. Các động thái này ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, bởi khách hàng hàng đầu Ấn Độ đã từ chối nhận các lô dầu được vận chuyển bởi những tàu có liên quan tới công ty vận tải Sovcomflot PJSC của Nga.
"Dù vậy, dữ liệu cho thấy Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trong tháng 3, Ấn Độ vẫn là khách hàng hàng đầu của Nga với lượng dầu nhập khẩu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023", biên bản cuộc họp của CBR cho biết.
Tổng lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga trong giai đoạn từ 24/2 đến 24/3 bình quân đạt 3,2 triệu thùng/ngày, so với khoảng 3,4 triệu thùng/ngày của tháng trước đó.
Trước đó, một số cơ sở lọc dầu lớn của Nga bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công, buộc phải ngừng hoạt động một phần hoặc hoàn toàn. Điều này khiến sản lượng dầu thô hàng tuần của Nga giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng trong tuần tính tới ngày 20/3. Tuy nhiên, CBR cho biết Nga đã giảm thiểu được tác động của các vụ tấn công này đối với hoạt động xuất khẩu.
Mặc dù chỉ ra các diễn biến khả quan, CBR cũng nhấn mạnh rằng Nga vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ quan này xác định rằng “việc duy trì môi trường tiền tệ thắt chặt sẽ góp phần đảm bảo sự cân bằng và kiểm soát tốt các động lực xuất khẩu".
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), năm 2023, tăng trưởng GDP của Nga đạt 3,6%, phục hồi đáng kể so với mức giảm 1,2% của năm 2022 - năm đầu tiên của cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng sự tăng trưởng này phụ thuộc đáng kể vào hoạt động sản xuất vũ khí và đạn dược của nhà nước, trong khi đời sống của người dân không được cải thiện. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 2,6% trong năm nay.