Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ đang ăn nên làm ra
Áp lực từ cuộc sống, công việc và cả đại dịch đã khiến việc ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày trở nên rất khó có thể thực hiện. Điều này đã thúc đẩy một lĩnh vực được gọi là “ngành kinh tế ngủ” (sleepnomics) phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết...
Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu, ước tính cứ 3 người thì có 1 người mất ngủ và cứ 10 người thì có 1 người mất ngủ kéo dài. Do đó, các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp giấc ngủ hiện nay có cơ hội giành được chỗ đứng lâu dài trên thị trường, thậm chí một số công ty công nghệ cũng bắt đầu mở rộng đầu tư và nghiên cứu các sản phẩm, ứng dụng phục vụ cho một giấc ngủ ngon.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỶ ĐÔ
Năm 2017, phần mềm Calm đã được bầu chọn là phần mềm của năm trên App Store, cho thấy nhu cầu cần có một giấc ngủ yên lành cao đến thế nào. Theo báo cáo tổng kết cùng năm của hãng McKinsey, riêng ngành công nghiệp liên quan đến tất cả các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ và nhất là các phần mềm trên điện thoại di động đã có tổng giá trị trong khoảng từ 30 đến 40 tỷ đô la, và luôn tịnh tiến tăng trưởng ở mức 8% hàng năm.
Hai năm vừa qua, nỗi lo lắng về đại dịch cộng với thói quen đắm chìm vào các thiết bị di động trong thời gian giãn cách xã hội đã tạo nên một thế hệ bị chứng mất ngủ, đồng thời thúc đẩy sự trỗi dậy của nền công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ khổng lồ. Từ các ứng dụng hỗ trợ ru ngủ, siro ngủ, gối ngủ, nến thơm, kẹo cao su cho cho đến giường, nệm, thảm trải phòng, đèn ngủ, thiết bị đeo tay… tạo nên một mảnh đất béo bở để các công ty có thể nhảy vào và móc hầu bao người tiêu dùng.
Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào cuộc đua sản xuất các mặt hàng hỗ trợ người tiêu dùng có được giấc ngủ ngon hơn. "Điểm ăn khách nằm ở chất lượng giấc ngủ. Những chiếc gối êm, mặt nạ và các thiết bị massage thư giãn chắc chắn sẽ khiến bạn ngủ ngon và sâu hơn," một vị Quản lý của chuỗi cửa hàng Sleep & Sleep chia sẻ.
Nhân viên của quán cafe ngủ Heavenly 29 cũng cho biết, số lượng khách hàng của quán đã tăng gấp 3 lần kể từ khi mở cửa vào tháng 3 vừa qua. Các trang mạng bán lẻ tại Hàn Quốc cũng đồng loạt công bố mức tăng doanh thu vượt bậc trong năm nay, từ 18% với các sản phẩm trà thảo dược, cho tới 600% với các thiết bị thông minh giúp đo lường và kiểm soát giấc ngủ. Các chuyên gia nhận định, điều này đang có những tác động tốt tới nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc.
Tại Hồng Kông, Red Doors Studio là nơi tổ chức ngủ trưa 2 lần/ tuần, người tham gia được thư giãn sâu trong tiếng chiêng thiền định. Ở Anh, chuỗi phòng tập David Lloyd mang tới liệu pháp ‘napersice’ (lớp tập ngủ trưa) đơn giản, thường kéo dài 45 phút. Còn Alex Shannon, chủ tài khoản Instagram @FollowTheNap thì có hàng trăm nghìn người theo dõi các nội dung anh đăng tải mỗi ngày chuyên về giấc ngủ.
Theo BBC Research, thị trường toàn cầu cho các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ sẽ tăng từ 81,2 tỉ USD vào năm 2020 lên 112,7 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 6,8% trong giai đoạn 2020 - 2025.
Các nhà phân tích của PS Market Research tin rằng thế giới mới chỉ bắt đầu bùng nổ thị trường hỗ trợ giấc ngủ. Không chỉ có những thiết bị thông minh đeo trên người, mà nền công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ giờ đây có vô số sản phẩm đa dạng về mẫu mã và chức năng: các loại đồng hồ thông minh có khả năng đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) như của Apple Watch hay Xiaomi Mi Band 6; giường thông minh và cảm biến giấc ngủ chuyên dụng dạng như iFit Sleep HR hoặc Eight Sleep Tracker theo dõi chuyển động, nhịp tim, hô hấp, làm mát, sưởi ấm.
Hoặc công nghệ Ballistocardiography (BCG), như trong Beddit Sleep Monitor của Apple, theo dõi nhịp tim thông qua hoạt động của cơ thể, theo dõi hơi thở, tiếng ngáy và nhiệt độ phòng mà không cần phải tiếp xúc với da. Hay đèn điều chỉnh độ sáng như Philips Hue, giúp lọc ánh sáng xanh; các thiết bị dạng Echo của Google và Amazon, sử dụng cảm biến radar để theo dõi giấc ngủ…
THỊ TRƯỜNG THIẾT BỊ "RU NGỦ" Ở VIỆT NAM
Ở Việt Nam, thị trường sản phẩm công nghệ hỗ trợ ngủ cũng đã hình thành và có những bước phát triển nhất định. Theo một khảo sát của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, những năm gần đây có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ; 15% bị trạng thái ngủ gà gật ban ngày; 18% không thỏa mãn về giấc ngủ; 30% mất ngủ có liên hệ với bệnh trầm cảm...
Cũng giống như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Hồng Kông, tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc nam, thuốc bắc, các loại thực vật để ăn mang đặc tính thuốc được dùng khá nhiều. Đối với các giải pháp “mềm”, Việt Nam gần đây cũng xuất hiện nhiều startup trong ngành công nghiệp này. Ví dụ như Ru9, một startup chuyên về nệm làm bằng chất liệu mới Memory Foam 3 lớp - loại nệm được sáng chế cho các nhà du hành vũ trụ NASA bởi khả năng giải tỏa lực ép hiệu quả. Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, doanh thu năm 2020 tăng 300% so với năm 2019. Thậm chí vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, doanh thu của startup này vẫn tăng 250 - 290%.
Cũng sản xuất nệm nhưng thương hiệu Latexco cung cấp các sản phẩm xa xỉ hơn, khách hàng trước khi mua được đo đạc bằng cảm biến xem phù hợp với loại nào để được cung cấp loại nệm phù hợp. Đương nhiên giá trị nệm cũng không rẻ, lên đến hàng trăm triệu đồng. Xa xỉ không kém là các hãng AmericanStar, Therapedic, Aireloom, Spring Air... Hay như LMG World có nệm được bán với giá lên tới hàng tỉ đồng. Trước khi mua đệm, khách được đo đạc cẩn thận bằng máy Reveal by Xsensor để lựa chọn loại nệm phù hợp.
Ông Lee Hinshaw, một chuyên gia người Mỹ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm quản lý cửa hàng trong ngành nệm, cho biết: “Chiếc nệm 1 tỉ đồng với nhiều khách hàng sẽ chẳng là xa xỉ vì họ xem đó là một khoản đầu tư. Đầu tư cho giấc ngủ, cho sức khỏe. Mấu chốt là chất lượng của giấc ngủ sẽ làm nên chất lượng toàn bộ cuộc sống của vị chủ nhân”. Từ một nhà xuất khẩu nệm Mỹ sang Nhật, năm 2003, ông Lee bắt đầu chuyển đến sinh sống tại Tokyo, Bangkok và sau đó là TP.HCM. Cách đây 3 năm, ông được chọn vào vị trí Giám đốc Điều hành của World Luxury Mattress Gallery (LMG World).
Hay một startup khác từ Giáo sư người Việt ở Mỹ, Vũ Ngọc Tâm, với dự án Earable - tai nghe không dây thông minh giúp chăm sóc, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các vấn đề về não bộ (rối loạn giấc ngủ, căng thẳng và sự tập trung). Earable đã nhận được vốn đầu tư từ hàng loạt nhà đầu tư mạo hiểm có tên tuổi như 500 Startups, Smilegate Investment... Chuyển phần lớn hoạt động của Earable từ Mỹ về Việt Nam, giáo sư Vũ Ngọc Tâm ngay lập tức nhận được khoản tài trợ 10 tỉ đồng từ Vingroup.
Có thể nói, ngành công nghiệp giấc ngủ của Việt Nam không hề bị bỏ ngỏ mà đang phát triển sôi động theo cách riêng. Dù vậy, thị trường còn rất mới và không nhiều nhà đầu tư. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những doanh nghiệp hướng mục tiêu đến ngành công nghiệp này.