Nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp về chăm sóc hạnh phúc toàn diện cho nhân viên
Được xây dựng trên cơ sở về hạnh phúc toàn diện, sự thỏa mãn trong công việc và sự tự tin nghề nghiệp, chỉ số “sự hài lòng của người lao động” là một công cụ hoàn toàn mới để đo lường và thấu hiểu cảm nhận của người lao động...
Báo cáo vừa ra mắt với tiêu đề “Mức độ hài lòng của người lao động 2024" của ManpowerGroup (công ty cung cấp giải pháp nhân sự), dựa trên số liệu khảo sát từ 12.000 người lao động trên 16 quốc gia, đã chỉ ra những kết quả bất ngờ về mức độ hài lòng về công việc hiện tại của người lao động trên thế giới.
Được xây dựng trên cơ sở về hạnh phúc toàn diện, sự thỏa mãn trong công việc và sự tự tin nghề nghiệp, chỉ số “sự hài lòng của người lao động” là một công cụ hoàn toàn mới để đo lường và thấu hiểu cảm nhận của người lao động. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược quản lý nhân lực và cải thiện môi trường làm việc hiệu quả hơn.
CÔNG VIỆC CÓ MỤC ĐÍCH CHƯA ĐỦ ĐỂ GIỮ CHÂN NHÂN TÀI
“Bất chấp có hơn 80% người lao động tìm thấy ý nghĩa trong công việc, kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy để giữ chân nhân tài thì một công việc có mục đích là thôi là chưa đủ. Người lao động đang thể hiện quan điểm mạnh mẽ bằng cách rời khỏi tổ chức và đi tìm kiếm cơ hội khác đem lại giá trị trên nhiều mặt, từ sự hỗ trợ sức khỏe tinh thần, cân bằng công việc – cuộc sống, cho đến cơ hội trau dồi kỹ năng, và phát triển sự nghiệp", bà Becky Frankiewicz, Giám đốc Thương mại và Chủ tịch Khu vực Bắc Mỹ, ManpowerGroup, chia sẻ.
Theo bà, những tổ chức có thể tạo ra môi trường làm việc toàn diện và đặt người lao động lên trên hết, sẽ không chỉ giữ chân được những nhân tài hàng đầu, mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong thị trường năng động ngày nay.
Theo báo cáo, 49% người lao động cho biết họ cảm thấy căng thẳng tại nơi làm việc mỗi ngày, đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp về chăm sóc hạnh phúc toàn diện cho nhân viên. Những người ít trải qua căng thẳng mỗi ngày có khả năng duy trì công việc hiện tại cao gấp 2 lần.
Mặt bằng chung, sự phù hợp về văn hóa trong doanh nghiệp ở mức cao. 71% người lao động cảm thấy phù hợp với tầm nhìn và giá trị của công ty. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cố gắng hơn nữa để giúp nhân viên cân bằng giữa công việc – cuộc sống, bởi chỉ có 65% người lao động cảm thấy được hỗ trợ về khía cạnh này.
Một phát hiện đáng chú ý của báo cáo cho thấy nhiều lao động sẵn sàng “nhảy việc”. Cụ thể, có 35% người lao động – trong đó 45% là lao động trẻ (18-27 tuổi) cho biết có khả năng sẽ thay đổi công việc trong 6 tháng tới.
Chỉ 63% người lao động tin tưởng quản lý của mình về cơ hội phát triển nghề nghiệp, cho thấy sự mất kết nối tiềm ẩn giữa nhân viên và ban lãnh đạo. Làm việc từ xa không còn là yếu tố đảm bảo sự thỏa mãn sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống, khi có đến 41% nhân viên làm việc từ xa có thể chuyển việc.
Báo cáo cũng ghi nhận hầu hết người lao động (87%) tự tin vào kỹ năng của mình. Tuy nhiên, 34% người lao động cho biết họ thiếu cơ hội cần thiết để đạt được mục tiêu nghề nghiệp ở công ty hiện tại.
59% người lao động cho biết không được đào tạo về kỹ năng trong 6 tháng qua. Điều này khiến 57% người lao động nhận rõ những cơ hội thăng tiến trong tổ chức, nhiều người cảm thấy thiếu hụt sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp ở công việc hiện tại. Đáng chú ý, 42% lao động nữ thế hệ X cảm thấy thiếu cơ hội để đạt được mục tiêu nghề nghiệp ở công ty hiện tại.
SỰ PHÂN HÓA Ở CÁC QUỐC GIA
Đa số các thị trường có chỉ số hạnh phúc toàn diện gần với mức trung bình toàn cầu (64%). Tuy nhiên, mức độ hài lòng của người lao động cũng có sự khác biệt đáng kể ở các quốc gia.
Trong đó, Hà Lan có mức độ hài lòng cao nhất ở tiêu chí hạnh phúc toàn diện, với 73%. Nếu chỉ tính riêng khía cạnh công việc hiện tại có ý nghĩa và mục đích, thì Mexico là quốc gia dẫn đầu, với 89% người lao động cảm thấy điều này.
Lao động ở Singapore có khả năng chuyển việc cao nhất trong 6 tháng tới (41% cảm thấy kém hài lòng với công việc hiện tại), đồng thời cũng là những người tự tin nhất về khả năng tìm được công việc mới nhờ kỹ năng của mình (72%).
Hai nước Bắc Âu là Na Uy và Thụy Điển ghi nhận sự ổn định việc làm ở mức cao, với lần lượt 80% và 71% người lao động cảm thấy hài lòng với sự ổn định của công việc trong 6 tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, không nhiều người lao động ở đây cảm nhận được các cơ hội để phát triển hay thăng tiến nghề nghiệp (48% ở Na Uy và 53% ở Thụy Điển). Họ cũng kém tin tưởng vào người quản lý của mình (57% ở cả hai quốc gia).
Đáng chú ý, Pháp - quốc gia trong nhóm G7 lại ghi nhận chỉ số hạnh phúc toàn diện thấp nhất, ở mức 61%. Trong khi Mỹ ghi nhận nhiều cảm nhận tích cực của người lao động. Chỉ số tự tin nghề nghiệp của lao động nước này đạt 79%, với 76% cảm thấy công việc ổn định trong 6 tháng tiếp theo.
Riêng Nhật Bản là một ngoại lệ khó có thể so sánh với các thị trường khác. Cảm nhận thực tế của người lao động có xu hướng tương đồng với mức bình quân toàn cầu, tương tự với các khảo sát trước đây.
Xét theo ngành, nhân viên IT cảm thấy mức độ căng thẳng hàng ngày cao nhất, nhưng đồng thời cũng có mức cân bằng giữa công việc - cuộc sống tốt nhất. Nhân viên ngành chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống nhận thấy công việc của mình có nhiều ý nghĩa nhất. Song mức độ phù hợp cao nhất về mặt giá trị lại được ghi nhận ở nhân viên ngành tài chính và bất động sản…
Theo bà Becky Frankiewicz, Giám đốc Thương mại và Chủ tịch Khu vực Bắc Mỹ ManpowerGroup, người lao động ngày nay đang tìm kiếm nơi để phát huy tài năng và phát triển kỹ năng, chứ không chỉ đơn thuần là nhận lương.
“Khi thiếu hụt nhân tài tiếp tục gia tăng và công nghệ phát triển nhanh chóng, khả năng khai thác tiềm năng và xây dựng sự linh hoạt trong nguồn nhân lực là chìa khóa cho sự phát triển. Hiểu được điều mà người lao động mong muốn trong công việc, là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân đội ngũ nhân sự cần thiết để thành công”, bà Becky Frankiewicz nhấn mạnh.
Các phản hồi được thu thập từ 12.062 người lao động tại 16 quốc gia, bao gồm: Australia, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mexico, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, và Mỹ, trong thời gian từ ngày 15/4 đến ngày 10/5/2024.
Tất cả dữ liệu được điều chỉnh để khớp với cơ cấu dân số lao động tại mỗi quốc gia theo giới tính, độ tuổi, khu vực, và tất cả các quốc gia đều được điều chỉnh trọng số cho bằng nhau.