Những tín hiệu khả quan cho ngành đóng tàu Việt Nam
Hiện ngành đóng tàu vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về tiếp cận nguồn vốn, thiếu nhân lực đặc biệt là thụ động về nguồn vật tư, thiết bị, máy móc… Tuy nhiên, với việc có được những hợp đồng đóng tàu lớn như thời gian vừa qua giúp doanh nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang có thêm hy vọng để phát triển mạnh trở lại...
Công ty Đóng tàu Phà Rừng thuộc Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) và Công ty Yentec (Hàn Quốc) vừa ký kết hợp đồng thi công, đóng mới tàu biển có trọng tải lớn. Theo hợp đồng, Công ty Đóng tàu Phà Rừng sẽ đóng mới series gồm 5 chiếc tàu chuyên dụng chở dầu và hóa chất có trọng tải 13 nghìn tấn/chiếc cho Công ty Yentec xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Series tàu này được thiết kế theo tiêu chuẩn của phía Hàn Quốc, phân cấp đăng kiểm KR. Tàu có ký hiệu vỏ theo thiết kế YN-01/02/03/04/05 với chiều dài toàn bộ là 128,6, chiều rộng 20,4 m, chiều cao mạn 11,5 m và mớn nước là 8,7 m. Thời gian hoàn tất hợp đồng này là trong 3 năm, trong đó có 3 tàu sẽ được triển khai đóng mới ngay trong năm 2023, 2 tàu còn lại sẽ được hoàn thành bàn giao cho Yentec vào năm 2025.
Chia sẻ với VnEconomy, ông Vũ Hữu Chiến – Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng, cho biết hợp đồng này có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của doanh nghiệp, bên cạnh việc đảm bảo doanh thu, tạo việc làm cho hàng trăm người lao động, đồng thời tránh được sự lãng phí của các trang thiết bị đã được đầu tư, mua sắm từ trước đó, đặc biệt duy trì được năng lực, thương hiệu của ngành đóng tàu Việt Nam nói chung và Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy nói riêng.
Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu khả quan báo hiệu một chu kỳ phát triển mới của thị trường đóng tàu thế giới.
Theo Phó giáo sư – Tiến sỹ Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng trường Đại học hàng hải Việt Nam, do một thời gian “chững” lại khá dài của ngành đóng tàu, nên lực lượng các đội tàu biển đều có tuổi đời khá cao, do vậy nhu cầu cần một thế hệ tàu mới là bắt buộc vì sự an toàn của ngành vận tải biển và phải tuân thủ qui định nghiêm ngặt của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO.
Bên cạnh đó, vận tải đường biển luôn là phương thức vận tải hàng hóa hiệu quả do chuyên chở được số lượng, trọng tải hàng hóa lớn kể cả những loại hàng siêu trường, siêu trọng, tiết giảm được cho phí cho chủ hàng, đồng thời đảm bảo được sự “giãn cách” cần thiết nếu như có dịch bệnh tương tự như dịch bệnh Covid 19 vừa qua.
Hiện các đội tàu biển trên thế giới đã và đang hoạt động trên các tuyến hàng hàng toàn cầu có rất nhiều con tàu xuất xứ tại Việt Nam, qua đó là minh chứng rõ nét về năng lực của ngành đóng tàu trong nước. Riêng Công ty đóng tàu Phà Rừng, đây là một đơn vị rất mạnh trong việc đóng mới các tàu chở dầu/hoá chất dòng Handysize.
Theo thống kê, tính từ năm 2007 đến nay, Phà Rừng đã đóng gần 10 con tàu chở dầu/hóa chất 6.500DWT và 13.000DWT xuất khẩu sang Hàn quốc và các nước khác.
Bên cạnh đó, Phà Rừng còn đóng mới các seri tàu chở hàng trọng tải từ 6.500 tấn tới 34.000T cho các khách hàng trong nước và quốc tế cũng như đóng mới các dòng tàu đặc chủng như tàu kiểm ngư cho Bộ Tư lệnh Hải quân, tàu Roro cho tập đoàn Daimen Hà Lan...
Tại buổi Lễ, ông Park Zangaha - Chủ tịch Công ty Yentec nói, đây là lần ký kết thứ 3 sau gần 20 năm hợp tác của chúng tôi với Công ty đóng tàu Phà Rừng, chính sự chuyên nghiệp trong công việc thể hiện trong sự ổn định của chất lượng sản phẩm, sự đảm bảo trong tiến độ và khung giá có tính cạnh tranh cao của Phà Rừng đã là những yếu tố quyết định đầy tính thuyết phục. Chúng tôi xác định Công ty đóng tàu Phà Rừng là đối tác chiến lược, tin cậy trong lộ trình phát triển của Yentec.”
Rõ ràng, trong lúc ngành công nghiệp nặng trong nước còn chậm phát triển, ngành đóng tàu còn đang phải gánh chịu những hệ lụy không nhỏ sau những biến cố lớn, thì việc Phà Rừng hợp tác với Yentec là tín hiệu khả quan cho toàn ngành.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công Nghiệp tàu thủy(SBIC), đây là sự kiện đánh dấu sự nỗ lực vượt khó của Phà Rừng. Tuy nhiên, toàn ngành đóng tàu vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, thách thức về tiếp cận nguồn vốn, thách thức về nguồn nhân lực đặc biệt là thụ động về nguồn vật tư, thiết bị, máy móc… do phải nhập khẩu hoàn toàn nên các doanh nghiệp đóng tàu trong nước bị thụ động về giá trong đàm phán , đa phần chỉ làm công đoạn gia công nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Được biết, kinh tế biển đã được Trung ương xác định là một trong những chiến lược để đưa đất nước phát triển bền vững, một trong những lĩnh vực của kinh tế biển là hệ thống cảng biển, những đội tàu biển đa dạng phục vụ cho nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến quốc phòng an ninh.