Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU
Kim ngạch thương mại song phương Việt – Pháp năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt gần 3,2 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan…
Dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức lễ hội chào mừng ngày Quốc khánh Pháp 'Bastille Day' tại Hà Nội và TP.HCM.
"Bastille Day" được xem như là lễ hội kỉ niệm trọng đại gắn kết cộng đồng người Pháp và Việt Nam, đồng thời là dịp chia sẻ, lan tỏa văn hóa, ẩm thực và âm nhạc Pháp đến với tất cả mọi người.
Nhân kỷ niệm 235 năm ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14/7/1789 - 14/7/2024), bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Pháp tại TP.HCM, cho biết Pháp đang là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam. Chúng tôi đã đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và thương mại.
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser cho biết thêm hiện nay có gần 6.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Pháp và trong số đó có khoảng 100 sinh viên nhận học bổng của Chính phủ Pháp, một con số chưa từng có. Năm nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về số lượng sinh viên nhận học bổng đại học của Pháp.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ với bề dầy truyền thống và những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Trong năm qua, Việt Nam - Pháp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2023).
Trên nền tảng song phương tốt đẹp đó, TP.HCM luôn là một trong những địa phương tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Pháp. Tổng kim ngạch thương mại giữa Pháp và TP.HCM trong năm 2023 đạt gần 750 triệu USD.
Pháp là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 3,17 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm...
Pháp đứng thứ 16/143 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 674 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,81 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa.
Ngoài ra, Pháp còn là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp TP.HCM, đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố Việt Nam tham gia hợp tác với 240 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển đô thị.
Điển hình TP.HCM kết nghĩa với thành phố Lyon và vùng Rhône-Alpes. Cụ thể, Vùng Rhône-Alpes đã triển khai các dự án hỗ trợ TP.HCM khá đa dạng trong các lĩnh vực về quy hoạch đô thị, y tế, giáo dục, đào tạo nghề …
Thành phố Lyon ký kết thỏa thuận hợp tác với các lĩnh vực ưu tiên gồm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, quy hoạch và phát triển đô thị, giao thông đô thị… Trong đó, chiếu sáng đô thị là lĩnh vực hợp tác nổi bật, với 05 công trình chiếu sáng mỹ thuật đã hoàn thành tại TP.HCM.