Bầu cử sẽ ảnh hưởng như thế nào tới ngành thời trang Pháp?
Tổng thống Emmanuel Macron vừa kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội Pháp theo hình thức bất thường. Ngành công nghiệp thời trang nước này đang “nín thở" theo dõi sát sao tình hình khi vòng bầu cử mới có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực...
Khoảng 50 triệu cử tri được triệu tập đi bầu cử hai vòng diễn ra vào ngày 30/6 vừa qua và 7/7 tới đây. Hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy đảng Rassemblement National (RN) của bà Marine Le Pen đã giành được hơn 30% số phiếu bầu. và các đồng minh, dẫn đầu bởi Eric Ciotti, đang dẫn đầu với khoảng 36% ý định bỏ phiếu cho vòng đầu tiên.
Theo sau là khối cánh tả Nouveau Front Populaire với 28 - 29% và liên minh của Tổng thống Ensemble pour la République với 20%. Mặc dù không trực tiếp bầu chọn Tổng thống mới, người dân Pháp đang định hình lại Quốc hội, tương tự như Hạ viện ở Italia, từ đó thay đổi đa số nghị sĩ của chính phủ. Tổng thống Macron sẽ tiếp tục nhiệm kỳ, nhưng việc điều hành đất nước có thể trở nên rất khó khăn.
CỔ PHIẾU CỦA CÁC TẬP ĐOÀN XA XỈ LAO DỐC
Vòng bầu cử mới này cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thị trường thời trang xa xỉ vốn đang trong giai đoạn suy yếu. Gần nhất, cuộc bầu cử gần đây tại Pháp đã tạo thêm một thử thách phức tạp cho việc tổ chức Tuần lễ Thời trang Nam Paris (diễn ra từ ngày 19 đến 23/6) và Tuần lễ Haute Couture Paris (diễn ra từ ngày 24 đến 27/6) vừa qua - vốn đã bị gián đoạn do quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội của thành phố.
Cuộc bầu cử cũng đang tạo ra sự bất ổn đáng kể trên thị trường tài chính. Nếu như cuộc bầu cử châu Âu trước đó đã phản ánh tình hình chính trị không ổn định do sự trỗi dậy của các đảng cực hữu chủ quyền, thì giờ đây thị trường chứng khoán đang phải đối mặt với kết quả của cuộc bầu cử lập pháp Pháp. Chỉ số chứng khoán Pháp (CAC 40) đã giảm 5 điểm phần trăm kể từ ngày 9/6, sau thông báo của Tổng thống Emmanuel Macron về việc tổ chức các cuộc bầu cử chớp nhoáng.
Thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục lao dốc sau khi liên minh cánh tả Nouveau Front Populaire công bố chương trình nghị sự. Cổ phiếu của các tập đoàn xa xỉ như LVMH giảm 7,2%, Kering giảm 18,7%, Hermès giảm 4,1% và L'Oréal giảm 4,8%...
Trang Bloomberg đã cho biết cả hai đảng phái chính trị Pháp đều tuyên bố sẽ đánh thuế người giàu nhiều hơn. Đây có thể là tin xấu đối với các "ông lớn" xa xỉ của Pháp như LVMH và Kering, cùng các chủ sở hữu là tỷ phú của họ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến 11 dòng họ tỷ phú còn lại trong nước, buộc họ phải tính toán lại cách thức quản lý tài sản để giảm thiểu nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, vào ngày 17/6, Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Pháp (Association Française des Entreprises Privées - AFEP), đại diện cho 117 công ty lớn nhất của Pháp bao gồm LVMH, Kering, Hermès và L'Oréal, đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro kinh tế tiềm ẩn khi đất nước nghiêng quá xa sang cánh tả hoặc cực hữu.
"AFEP tham gia vào cuộc tranh luận này vì kết quả của cuộc bầu cử nghị viện sẽ quyết định vị thế và uy tín của Pháp đối với các đối tác châu Âu và quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hành động vì lợi ích của quốc gia trong một thế giới đang ngày càng chia rẽ và xung đột leo thang", hiệp hội tuyên bố.
Biên bản của AFEP cũng nêu rõ: “Quyết định của cử tri Pháp sẽ định đoạt khả năng của các công ty lớn và hàng triệu nhân viên của họ để tiếp tục phát triển, đổi mới, duy trì việc làm và sức mua, do đó đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước chúng tôi. Rủi ro lớn nhất là nền kinh tế Pháp và châu Âu sẽ đình trệ trong một thời gian dài. Những cám dỗ của việc tự cô lập và chạy đua ngân sách chỉ củng cố thêm điều này ”.
Các công ty thới trang, làm đẹp và xa xỉ cũng lo ngại rằng các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào đất nước. Điều này có thể dẫn đến việc đầu tư thấp cho các dự án mới và từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh quốc tế của Pháp vào thời điểm Paris trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu trong Thế vận hội mùa hè năm nay.
NGƯỜI TRONG NGÀNH NGHĨ GÌ?
Pierre-François Le louët, đồng chủ tịch Liên minh Công nghiệp Thời trang và Quần áo Pháp (UFIMH), bày tỏ sự thất vọng vì cuộc bầu cử Quốc hội Pháp bất thường đã dẫn đến việc hủy bỏ sự kiện do Chính phủ hậu thuẫn có tên "Lễ ra mắt Chiến lược Thời trang", dự kiến diễn ra vào ngày 20/6 vừa qua. Sự kiện này được hy vọng rằng sẽ chỉ bị hoãn lại chứ không bị hủy bỏ hoàn toàn, bởi theo kế hoạch sẽ quy tụ các Bộ Kinh tế, Văn hóa, Công ty và Du lịch.
"Cơ quan quản lý đã tham gia vào việc hỗ trợ sáng tạo trẻ và khả năng cạnh tranh cũng như sức hấp dẫn của Pháp đối với các thương hiệu và nhà sản xuất thời trang", ông Le louët nói với Vogue Business. "Chúng tôi đã nỗ lực thực hiện điều này trong một năm và nó đã mang lại nhiều hy vọng."
Tổng thống Macron từ lâu đã thể hiện sự ủng hộ dành cho ngành thời trang, tiêu biểu là việc tổ chức các bữa tối dành cho ngành thời trang tại Điện Élysée. Chính phủ của ông cũng khởi xướng kế hoạch chiến lược nhằm phát triển ngành này. Chuyên gia Le Louët nhận định cho đến nay, các chương trình của cả phe cực hữu và cực tả đều chưa đề cập nhiều đến thời trang.
"Tuy nhiên, có thể dự đoán rằng Mặt trận Quốc gia sẽ ưu tiên sản phẩm Made in France (Sản xuất tại Pháp), trong khi Mặt trận Nhân dân Mới sẽ hỗ trợ sáng tạo và văn hóa," ông Le Louët cho biết thêm, các giá trị của các đảng cực hữu mâu thuẫn với thế giới thời trang, vốn tôn vinh sự cởi mở, đa dạng và độ phủ sóng.
Pharrell Williams, ca sỹ và là nhà thiết kế thời trang vừa ra mắt bộ sưu tập Xuân - Hè 2025 cho Louis Vuitton vào ngày 18/6, mặc dù không trực tiếp đề cập đến tình hình chính trị, nhưng đã có những chia sẻ phía hậu trường về chủ đề đoàn kết - những lời nói tạo được tiếng vang lớn tại Paris.
"Tôi không bao giờ dám nghĩ rằng mình có thể là lý do để mọi người xích lại gần nhau, nhưng việc đưa ra ý kiến và thể hiện khả năng đoàn kết qua thời trang là điều duy nhất chúng tôi có thể làm. Thế giới hiện tại đang có quá nhiều sự chia rẽ. Đây là một show diễn về sự thống nhất và chia sẻ," vị giám đốc sáng tạo dòng thời trang nam nói.