Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Cần hậu thuẫn và chung tay của các cấp chính quyền
Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Do đó, rất cần sự hậu thuẫn, chia sẻ và chung tay của chính quyền địa phương...
Tại diễn đàn “Đối thoại với doanh nghiệp - Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá Việt Nam là một nước nông nghiệp, vì vậy hàng năm lượng phế thải dư thừa trong quá trình chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm rất lớn.
THÁCH THỨC ĐẦU TIÊN LÀ TƯ DUY
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp cả nước khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản...
Cụ thể, ước tính khối lượng phụ phẩm cây trồng và chất thải rất lớn: với 42,7 triệu tấn lúa thì 60 triệu tấn phụ phẩm từ rơm, vỏ trấu, cám; gần 10 triệu tấn phế phụ phẩm từ sản xuất ngô; hơn 850 ngàn tấn phế phụ phẩm từ khoai lang; trên 12 triệu tấn phế phụ phẩm từ sắn…
Riêng khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng thực tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt mới đạt 52,2%, ngành chăn nuôi là 75,1%, lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%.
Theo ông Thắng, nguồn phế phụ phẩm này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Nếu chúng ta tận dụng được toàn bộ khối lượng khổng lồ phế phẩm này sẽ đạt giá trị sản xuất nông nghiệp vô cùng lớn, tăng từ 30-100%.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn với doanh nghiệp cũng như người sản xuất trong việc đưa nguyên lý tuần hoàn vào trong nông nghiệp là làm sao để có được công nghệ tốt, quy trình tốt để thúc đẩy áp dụng tuần hoàn.
Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn, chỉ ra những thách thức trong phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn. Đầu tiên đó là nhận thức về kinh tế tuần hoàn.
Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn coi đây là mô hình gây tốn kém chi phí, mất thời gian, công sức, chưa nhận thức được lợi ích mang lại. Bên cạnh đó, tâm lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân là e ngại, sợ rủi ro.
Ngoài ra, khung chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn mới đang trong quá trình hoàn thiện. Việc đầu tư công hay đầu tư tư nhân cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế.
Đồng tình, TS. Nguyễn Minh Tú, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng để áp dụng, thay đổi cần nguồn tài chính lớn mà hiệu quả thu được thì đến từ từ.
Đôi khi để áp dụng tại doanh nghiệp phải nhập công nghệ nước ngoài mới đáp ứng được nên chi phí tài chính rất lớn, trong khi đó chưa có ưu đãi cho doanh nghiệp tái chế.
Ngoài ra, chi phí xử lý nước cũng cao hơn thông thường. Hiện nay chưa có bộ nhận diện thương hiệu, hay hướng dẫn thực hiện quy cách, giải pháp kinh tế tuần hoàn. Trong khi luật nhiều khi không đồng nhất, chồng chéo, chưa tạo ra được những động lực đột phá để huy động nguồn lực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam