PLX giải trình lợi nhuận quý 3/2022 tăng 179% so với cùng kỳ
PLX công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 và giải trình lợi nhuận sau thuế trên BCTC của công ty mẹ và BCTC hợp nhất tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước...
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX-HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 và giải trình lợi nhuận sau thuế trên BCTC của công ty mẹ và BCTC hợp nhất tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, PLX ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 73.700 tỷ đồng tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, PLX ghi nhận lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 2.036 tỷ lên 2.803 tỷ đồng, tương ứng tăng 38%.
Cũng trong quý 3, PLX ghi nhận doanh thu tài chính tăng nhẹ từ 263 tỷ lên 279 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng cao từ 214 tỷ lên 319 tỷ đồng trong quý 3, tương ứng tăng 49% - trong đó, chi phí lãi vay lại giảm so với cùng kỳ còn 154 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí khác, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt 313 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ năm trước (79,5 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt gần 190 tỷ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ tăng gần 30%, từ 76 lên gần 99 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 225.700 tỷ đồng - tăng 88% so với cùng kỳ (119.741 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 614 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021 (2.952 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông ty mẹ giảm mạnh từ 2.235 tỷ giảm còn 312 tỷ đồng, tương ứng giảm 86%.
Giải trình việc lợi nhuận trên BCTC hợp nhất tăng so với cùng kỳ là do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu quý 3/2022 phát sinh lỗ trong khi cùng kỳ có lãi (lợi nhuận giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ); nguyên nhân chủ yếu do: giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến bất thường theo xu hướng giảm và chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.
Mặt khác, lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác quý 3/2022 tăng so với cùng kỳ (lợi nhuận tăng hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ), trong đó một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay... đã trở lại hoạt động ổn định sau giai đoạn hậu Covid.
Đồng thời, lợi nhuận từ hoạt động tài chính quý 3/2022 giảm so với cùng kỳ chủ yếu do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá trong khi cùng kỳ có lãi (tỷ giá có xu hướng tăng mạnh trong quý 3/2022 do đó Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá đối với Đô la Mỹ lên +/-5% so với tỷ giá trung tâm).
Còn theo BCTC của Công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế cao hơn so với cùng kỳ 2021 chủ yếu là do Tập đoàn cân đối áp dụng chính sách giá bán nội bộ giữa Công ty mẹ và các Công ty kinh doanh xăng dầu thành viên để phù họp với biến động của thị trường xăng dầu trong nước và mục tiêu của Tập đoàn trong từng chu kỳ kinh doanh.
Mới đây, PLX thông báo chốt danh sách cổ đông để thanh toán cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng). Như vậy, với hơn 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, PLX dự chi xấp xỉ 1.500 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Ngày nhận tiền là ngày 29/11 tới.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của PLX tăng 10% so với hồi đầu năm từ 64.791 tỷ lên 71.026 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền tăng nhẹ lên 7.552 tỷ đông, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm nhẹ từ 11.831 tỷ xuống còn 10.466 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng từ 13.387 tỷ lên 15.124 tỷ; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm 3.474 tỷ xuống còn 1.514 tỷ đồng.
Đáng chú ý, PLX có 4.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu, tăng 2.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và giữ nguyên so với cuối quý 2 và lãi tiền gửi, tiền cho vay mang lại cho PLX gần 637 tỷ đồng.
Năm 2022, PLX dự kiến doanh thu đạt 186.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.060 tỷ đồng. Như vậy, PLX đã vượt 21% kế hoạch doanh thu, song mới chỉ hoàn thành được 20% kế hoạch về lợi nhuận.
Trên thị trường, hiện giá cổ phiếu PLX 2,48% xuống còn 29.100 đồng/cp và giảm 44,52% trong 6 tháng qua.