RCEP chính thức đi vào thực thi từ 01/01/2022
Chính thức đi vào thực thi từ ngày 01/01/2022, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19...
Theo Bộ Công Thương, RCEP là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.
Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (còn gọi là các FTA ASEAN+), RCEP là một FTA bao trùm gồm 20 Chương và 04 Phụ lục, với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể (như thương mại điện tử, mua sắm công, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ ...).
RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) nhận định, đây là hiệp định có quy mô lớn nhất, nó mở ra cho Việt Nam một khu vực thương mại đầu tư tự do chiếm 30% GDP toàn cầu, một thị trường 30% của thế giới. Không những thế, hiệp định RCEP còn quy tụ tất cả những đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.
Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Quỳnh Nga nhận định, đây là hiệp định nhiều đối tác nhất của Việt Nam (9 nước Asean + 5 nước đối tác), có trình độ phát triển khác nhau dẫn tới RCEP có đặc điểm rất riêng so với các hiệp định khác. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp muốn liên doanh, đầu tư hay là cơ hội cho chúng ta tham gia vào chuỗi sản xuất của toàn khu vực.
Nói thêm, bà Nga cho biết, dòng thuế xoá bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực khác biệt giữa các nước. Như Lào, Campuchia chỉ có 29,9% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ ngay cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc gần 68%, Nhật Bản chỉ 55,6%.
Nếu so sánh với cam kết của các nước trong CPTPP, EVFTA thì mức cam kết của các nước trong RCEP thấp hơn hẳn. Tỷ lệ xoá bỏ cuối lộ trình cũng thấp hơn như 81% với Nhật Bản, cao nhất là Singapore 100%. Lộ trình xoá bỏ dòng thuế tối đa của RCEP cũng khá dài, dài nhất là 20 năm trong khi CPTPP hay EVFTA lộ trình ngắn hơn nhiều.
Việt Nam dành cho các nước đối tác trong xoá bỏ thuế thấp hơn Việt Nam đã cho các đối tác này trong các hiệp định khác. Điều này phần nào giảm bớt lo lắng về chuyện nhập siêu quá mức sau khi RCEP có hiệu lực.
Hơn nữa, quy tắc xuất xứ trong RCEP tương đối lỏng và dễ đáp ứng, mang lại nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, các ý kiến đều cho rằng, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này.