Rung lắc khá mạnh, cổ phiếu lớn vẫn giữ nhịp tốt
Một đợt trượt giảm khá mạnh xuất hiện đột ngột giữa phiên chiều nay thiếu chút nữa đã đẩy VN-Index rơi qua tham chiếu. Hầu hết các trụ đỡ buổi sáng đều chao đảo ở nhịp rơi này, nhưng sức mạnh vẫn đủ để giữ nhịp...
Một đợt trượt giảm khá mạnh xuất hiện đột ngột giữa phiên chiều nay thiếu chút nữa đã đẩy VN-Index rơi qua tham chiếu. Hầu hết các trụ đỡ buổi sáng đều chao đảo ở nhịp rơi này, nhưng sức mạnh vẫn đủ để giữ nhịp.
Điểm rơi sâu nhất của VN-Index chiều nay chỉ còn trên tham chiếu hơn 2 điểm còn VN30-Index thậm chí chạm sát đáy cũ buổi sáng, giảm 0,3%. Blue-chips hạ độ cao đáng kể, thậm chí số giảm có lúc gấp 3 lần số tăng.
Nguyên nhân của nhịp lao dốc này là các trụ đẩy quan trọng nhất bị xả. VIC lúc 2h quay lại được đỉnh cao buổi sáng ở 106.400 đồng, sau đó đột ngột có lượng bán lớn. Giá lao dốc trọn thời gian còn lại xuống 104.500 đồng, tương đương bốc hơi 1,79% so với đỉnh. Dù cổ phiếu này vẫn cao hơn tham chiếu 4,5% nhưng biên độ giảm như vậy là lớn, ảnh hưởng rất nhiều tới các chỉ số.
BID chiều nay cũng chịu áp lực lớn. Cổ phiếu này đạt đỉnh trong phiên sớm hơn VIC, ngay từ khoảng 1h20 với 38.800 đồng. Từ thời điểm này đến những phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục, BID trượt giảm kéo dài, biên độ giảm so với đỉnh khoảng 3,09%. BID chốt phiên tăng 2,56% so với tham chiếu nhưng riêng chiều thì yếu.
Cùng với VIC, BID là loạt cổ phiếu đổ đèo với mức độ và thời gian khác nhau, nhưng nhìn chung đều có một nhịp rơi. Chẳng hạn VHM tụt 1,17%, TCB giảm 1,1%, CTG giảm 1,2%, GAS giảm 0,9%... Thậm chí ngay cả MSN vốn đã rất yếu, cũng có thêm một nhịp rớt nữa khoảng 1,3% rồi mới chạm đáy.
Tổng hợp các ảnh hưởng sụt giá của nhóm blue-chips đã tạo sức ép lên VN-Index, kéo theo nhịp rung lắc trên toàn thị trường. Lúc VN-Index đạt đỉnh khoảng 2h, độ rộng ghi nhận 238 mã tăng/213 mã giảm. Lúc nhịp giảm chạm đáy, độ rộng còn 200 mã tăng/240 mã giảm. Số tăng giá hầu hết phải hạ độ cao so với đỉnh.
Tuy nhiên nhịp rung lắc này tạo biến động giá khác nhau ở cổ phiếu. Blue-chips về cơ bản là yếu. VN30-Index chốt phiên giảm nhẹ 0,07% với 12 mã tăng/15 mã giảm nhưng 29 mã (trừ VRE) phải đóng cửa thấp hơn giá đỉnh.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mạnh hơn, phục hồi tốt hơn nhưng cũng không đồng đều. Chỉ số Midcap đóng cửa cũng thấp hơn đỉnh, chỉ tăng 0,71% so với tham chiếu, trong khi đỉnh chiều nay tăng 1,3%. Smallcap chốt tăng 0,76% trong khi đỉnh ngay đầu phiên chiều tăng 1,38%. Độ rộng tổng thể của sàn HoSE vẫn khá cân bằng với 223 mã tăng/225 mã giảm.
Thậm chí, kết phiên HoSE còn có tới 38 mã kịch trần, tăng so với phiên sáng 14 mã. Hàng loạt cổ phiếu đạt thanh khoản rất cao và giá tăng hết biên độ như SCR, HAI, SAM, AAA, AMD, ITA, GEX, DXG...
Rung lắc mạnh chiều nay là cơ hội để dòng tiền chọn mua, thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết buổi chiều tăng 17% so với hôm qua, đạt 15.971 tỷ đồng. Nhờ giao dịch lớn cả sáng lẫn chiều, thanh khoản cả ngày có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, lên tới xấp xỉ 36.929 tỷ đồng chưa kể thỏa thuận. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất 9 phiên gần nhất.
Hệ quả của nhịp rung lắc là nhiều cổ phiếu lớn không duy trì được giá cao nhất, ví dụ VIC tụt 1,78%, VCB tụt 1%, BID tụt 2%... nên VN-Index tuy tăng chung cuộc hơn 6 điểm nhưng vẫn chỉ là một phiên đi ngang. Đỉnh cao nhất của chỉ số hôm nay cũng chỉ tương đương đỉnh cao nhất ngày hôm qua. Trong khi đó VN30-Index lại xác lập phiên giảm thứ 2 liên tục và còn chưa kiểm định được đỉnh cao lịch sử hồi cuối tháng 11/2021.
Khối ngoại phiên này bán ròng thêm 270 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng gần 13 tỷ ở HNX và 7 tỷ ở UpCOM. MSN bị xả mạnh 122 tỷ đồng, VNM gần 106 tỷ đồng là hai cổ phiếu đáng chú ý nhất. Đặc biệt MSN vẫn bị ép giá đợt ATC, giảm 4,47% so với tham chiếu và có 2 phiên liền rơi tới 9,5%.