Sân bay nhỏ: Nhiều lợi thế nhưng “tù mù” định hướng phát triển
Với diện tích, vốn đầu tư không quá lớn, các địa phương có thể xây dựng sân bay nhỏ, vừa phù hợp với địa hình lại đón đầu nhiều xu hướng mới của hàng không thế giới và sẽ chấm dứt tình trạng hoạt động dưới công suất và thua lỗ triền miên. Dù vậy, việc phát triển các sân bay nhỏ ở Việt Nam vẫn rất “tù mù”...
Việc các tỉnh mong muốn có sân bay để tạo đà bứt phá trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương là chính đáng. Tuy nhiên, việc xây dựng sân bay mới cần được tính toán dựa trên nhu cầu thực sự với quy mô phù hợp với hệ thống sân bay toàn quốc, phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư xây dựng sân bay, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa địa phương với nhà đầu tư và hành khách hàng không.
PHẦN LỚN SÂN BAY NHỎ ĐỀU CHÌM TRONG THUA LỖ
Theo thông tin được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố gần đây, trong số 21 sân bay do ACV quản lý và khai thác (không kể sân bay Vân Đồn), có 15 sân bay hoạt động có lãi, còn lại 6 sân bay vẫn lỗ. Việc tính toán tài chính của ACV chỉ tính cho phần dân dụng mà chưa tính chi phí đầu tư, sửa chữa khu bay. Còn nếu tính chung hoạt động tài chính của toàn sân bay, thỉ chỉ 4 sân bay đông khách nhất là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh mới có thể có lãi, 17 sân bay còn lại của ACV và sân bay Vân Đồn vẫn chìm trong thua lỗ.
Trong đó, cùng với sân bay Vân Đồn, tất cả 7 sân bay có sản lượng nhỏ nhất năm 2019 đều bị lỗ, đó là Đồng Hới (540 ngàn hành khách), Côn Đảo (430 ngàn hành khách), Tuy Hòa (429 ngàn hành khách), Vân Đồn (260 ngàn hành khách), Điện Biên (57 ngàn hành khách), Cà Mau (37 ngàn hành khách), Rạch Giá (32 ngàn hành khách).
Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng nhu cầu sản lượng khi lập quy hoạch sân bay, bởi nếu làm quy hoạch sai sẽ gây lãng phí rất lớn.
Cùng với đó, hiện phần lớn sân bay nội địa hoạt động dưới năng lực thiết kế. Năm 2019, nhiều sân bay đạt dưới 50% năng suất thiết kế như Vân Đồn (10%), Rạch Giá (11%), Cà Mau (12%), Điện Biên (19%), Chu Lai (19%), Đồng Hới (27%), Cát Bi (33%), Phú Bài (39%), Cần Thơ (45%), Buôn Ma Thuột (50%), Liên Khương (50%). Chỉ có 4 sân bay quốc tế lớn quá tải, đó là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Các sân bay của Việt Nam, theo thời gian, có khuynh hướng tăng kích thước đường cất, hạ cánh và tăng kích thước máy bay lớn nhất có thể sử dụng sân bay, nên theo phân loại sân bay của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nhiều sân bay nhỏ trở thành loại lớn 4C rất lãng phí vì không phù hợp và vượt quá nhu cầu sản lượng hàng không của các sân bay đó.
Điều đáng nói, tại Việt Nam, trong khi các sân bay lớn cần một nguồn vốn rất lớn để triển khai lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thời gian hoàn vốn lâu, kéo dài 40-50 năm gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư… thì phát triển một sân bay nhỏ đáp ứng nhu cầu sản lượng 300.000 hành khách/năm với diện tích dưới 50 ha và vốn đầu tư chỉ cần 500-800 tỷ đồng, với đường cất hạ cánh 1.200m, đáp ứng nhu cầu khai thác máy bay nhỏ từ 19 chỗ trở xuống, là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, để tránh lãng phí, sân bay cần được phân loại theo nhu cầu sản lượng của vùng địa lý và dân cư mà sân bay đó phục vụ.
Đối chiếu số liệu năm 2019 cho thấy, sản lượng hàng không quốc nội/100 dân bình quân cho tất cả các sân bay toàn quốc là 79 hành khách, Nội Bài là 81 hành khách, Tân Sơn Nhất là 129.
Hai sân bay quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh có lượng khách du lịch đông nên sản lượng hàng không quốc nội/100 dân cao vượt bậc, ở mức 423 hành khách và 261 hành khách tương ứng.
Tuy nhiên, có những sân bay có tỷ lệ sản lượng quốc nội/100 dân rất thấp, như: sân bay Thọ Xuân, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau…
Cụ thể, sân bay Thọ Xuân có vùng địa lý 24.400 km2 và dân cư 7,4 triệu người nhưng sản lượng hàng không quốc nội/100 dân chỉ có 14 hành khách, bởi dân cư vùng sân bay Thọ Xuân sử dụng sân bay Nội Bài nhiều hơn sân bay ở địa phương mình.
Tương tự, sân bay Cần Thơ có vùng địa lý 32.900 km2 và dân cư 14,4 triệu người mà tỷ lệ này là 9 - quá thấp, phần lớn dân cư vùng sân bay Cần Thơ sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất chứ không sử dụng sân bay ở địa phương. Khi tính gộp vùng địa lý và dân cư của hai sân bay Tân Sơn Nhất và Cần Thơ sản lượng hàng không quốc nội/100 dân là 79 hành khách, bằng mức trung bình của toàn quốc.
Số liệu năm 2019 cũng cho thấy sản lượng hàng không trên 100 dân ở sân bay Rạch Giá chỉ là 2 hành khách và ở sân bay Cà Mau là 3 hành khách, ở sân bay Điện Biên là gần 10 hành khách.
Do đó, dự thảo Quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, dự báo nhu cầu sản lượng năm 2030 cho các sân bay Sa Pa, Phan Thiết và Cà Mau lần lượt là 3,7 triệu hành khách, 2,8 triệu hành khách và 2,2 triệu hành khách là quá cao, khó tin cậy được.
Khi tính sản lượng hành khách/100 dân tương ứng vùng địa lý của từng sân bay càng cho thấy rõ thêm dự báo đó là quá lớn.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44 phát hành ngày 31/10/2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: