Sàn giao dịch hàng hoá thế giới vắng bóng nông sản Việt
Từ những năm 2000 đến nay, nhiều sàn giao dịch hàng hoá nông sản được phát triển ở Việt Nam nhưng sau đó đều thất bại. Chuyên gia kinh tế nhận định, hiện chưa có nông sản nội địa nào được niêm yết và giao dịch, dù Việt Nam có thế mạnh về cà phê, tiêu, gạo, thuỷ sản…
Tại hội thảo “Mua bán qua Sở Giao dịch hàng hoá – giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận”, rất nhiều ý kiến chia sẻ từ phía các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế nhằm tìm cách phát triển sàn giao dịch hàng hoá tại Việt Nam.
Một trong những lợi ích cho doanh nghiệp khi tham gia sở giao dịch hàng hóa là đảm bảo lợi nhuận bất chấp những biến động của thị trường.
Ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết với sàn giao dịch hàng hóa thì doanh nghiệp có thể giao dịch nhanh chóng bằng phương thức điện tử nên chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới, cũng như yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể tham gia kinh doanh, đầu tư hàng hóa phái sinh.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, việc tham gia sàn giao dịch hàng hóa sẽ giúp tạo giá cả cạnh tranh công bằng cho nông sản Việt Nam, thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường; hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, còn chống hiện tượng ép giá của thương lái, giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với thị trường, kết nối với thị trường nông sản thế giới.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000 đến nay, nhiều sàn giao dịch hàng hoá nông sản được phát triển ở Việt Nam nhưng sau đó đều thất bại.
Cụ thể, từ năm 2002, Việt Nam đã nâng cấp hoạt động giao dịch hàng hoá ở một quy mô lớn hơn, tập trung hơn theo hình thức giao dịch hàng hoá trên sàn. Trung tâm giao dịch thuỷ sản Cần Giờ ra đời từ đó nhưng đã chấm dứt hoạt động sau vài tháng do nông dân thích bán trực tiếp cho thương lái hơn. Hay như sàn giao dịch hạt điều ra đời vào tháng 3/2002 do Hiệp hội điều Việt Nam mở tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM nhưng cũng đã phải dừng hoạt động sau 1 năm.
Vào giai đoạn 2008-2012, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, nhiều sàn giao dịch hàng hoá hiện đại đã xuất hiệu theo mô hình các sở giao dịch hàng hoá trên thế giới như: Sàn giao dịch Sacom (do Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín – Sacombank ra mắt); Sở giao dịch hàng hoá Info (Info Comex); Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuộc. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, các sàn này đều dừng hoạt động sau đó không lâu.
Một trong những sàn giao dịch đang hoạt động là Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) được thành lập vào năm 2010. Theo nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, phải đến 5 năm gần đây sở mới có bước phát triển mạnh mẽ.
Năm 2023, MXV ghi nhận sự tăng trưởng tốt với 42 mặt hàng đang niêm yết giao dịch, giá trị giao dịch bình quân đạt 4.000 tỷ đồng/ngày, trong đó phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2023, toàn thị trường có hơn 30.000 tài khoản giao dịch, với hơn 5.000 tài khoản mở mới trong năm 2023.
Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có 26 mặt hàng thuộc năm nhóm hàng hóa được giao dịch và kết nối 8 sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Tính đến hết tháng 8-2023 đã có hơn 30 ngàn tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch. Thống kê của 8 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.
Dù vậy, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng MXV vẫn còn nhiều vấn đề cần thực hiện để mang lại lợi ích cho nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.
"MXV chưa thực sự là sở giao dịch hàng hoá hoàn chỉnh như các nước trong khu vực, do đó chưa phát huy được thế mạnh của sở. Đồng thời, sở giao dịch hàng hoá này cũng chưa quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, không thuận lợi như sở giao dịch chứng khoán", TS. Hiển phân tích.
Bên cạnh đó, các sản phẩm niêm yết và giao dịch trên sàn là của các sở giao dịch hàng hoá nước ngoài. Hiện, MXV chưa có sản phẩm nội địa nào được niêm yết và giao dịch.
“Trong khi đó Việt Nam có thể mạnh về nhiều sản phẩm như cà phê Robusta, tiêu, gạo, thuỷ sản… Cần có nhiều hơn sản phẩm giao dịch nông sản Việt Nam để tạo các lợi ích thật sự về giao dịch hàng hóa nông sản cho nông dân, nhà sản xuất, nhà thương mại Việt Nam”, TS. Đinh Thế Hiển cho biết.
Ngoài ra, TS.Đinh Thế Hiển đề xuất để trở thành sở giao dịch hàng hoá đúng nghĩa thì phải có giao dịch hàng hoá giao ngay. Theo thống kê thì phải có ít nhất 5% giá trị giao dịch là giao ngay.
Mặt khác, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, ối với mặt hàng cà phê hiện nay, khối lượng giao hàng thật chỉ chiếm 0,5%. Còn lại 99,5% là buôn bán giấy tờ, cụ thể là hợp đồng mua đi bán lại, hợp đồng chuyển nhượng.
Để có được những giao dịch giao ngay hàng hoá thật, theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, cần sự vào cuộc của ngân hàng vì các doanh nghiệp sẽ không đủ vốn cho hoạt động này. Đơn cử như ICE (sở giao dịch hàng hoá liên lục địa) đặt tại London có khoảng 300 kho trên khắp thế giới để khách hàng có nhu cầu lấy hàng thật thì có thể giao ngay.