Sau 5 tháng thông xe cao tốc ở Bình Thuận, đường dân sinh vẫn ngổn ngang
Hai tuyến cao tốc thành phần Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua địa bàn Bình Thuận được đưa vào khai thác cách đây 4 - 5 tháng nhưng đến nay tiến độ đường dân sinh, các đường dẫn vào cao tốc thi công chậm gây ảnh hưởng đến người dân...
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 10109/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị sớm hoàn thành và đưa đường dân sinh ở hai bên đường cao tốc cũng như các đường dẫn vào cao tốc vào hoạt động, để người dân thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa.
NHIỀU HẠNG MỤC CHƯA KHAI THÁC ĐỒNG BỘ VỚI TUYẾN CHÍNH VÌ THIẾU VẬT LIỆU
Trong văn bản trả lời, Bộ Giao thông vận tải cho biết các dự án cao tốc thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công từ cuối năm 2020. Hai tuyến cao tốc đường bộ Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn Bình Thuận có chiều dài hơn 148 km, chạy dọc qua 5 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
Ngay sau khi triển khai, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tổ chức thi công, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, "quá trình thực hiện, các dự án gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: công tác giải phóng mặt bằng còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu; dịch bệnh Covid-19 kéo dài; giá cả vật liệu tăng đột biến, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của các nhà thầu", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.
Đặc biệt, các dự án triển khai đồng loạt dẫn đến thiếu hụt nguồn đất đắp, mặc dù Chính phủ ban hành các nghị quyết để tháo gỡ nhưng thủ tục cấp phép và gia hạn thời gian khai thác mỏ đất còn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện. Theo đó, đến tháng 11/2022, mỏ đất cuối cùng mới có thể khai thác, đầu tháng 4/2023 mới hoàn tất thủ tục gia hạn thời gian khai thác.
Để hoàn thành các hạng mục chính đưa dự án vào khai thác theo đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực, tập trung hoàn thành các hạng mục như: thảm bê tông nhựa mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, các cầu vượt ngang, đường gom dân sinh tại các đoạn đông dân cư... và đưa tuyến chính của dự án vào khai thác dịp 30/4 và 19/5 vừa qua, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, giảm áp lực giao thông, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ, đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện.
"Riêng các hạng mục đường đầu cầu vượt ngang, đường gom, một số nút giao, chưa thể hoàn thành đồng bộ với tuyến chính do thiếu vật liệu đắp như nói trên", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.
KHẨN TRƯƠNG THI CÔNG HẠNG MỤC CÒN LẠI
Theo ghi nhận, dù hai tuyến cao tốc thành phần cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác từ lâu nhưng tiến độ thi công đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước, hầm chui… đang rất chậm, nhiều hạng mục của cả hai dự án vẫn chưa thi công hoàn thiện nên ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân.
Cụ thể, dự án còn khoảng 10 km các tuyến đường gom dân sinh dọc hai bên cao tốc chưa thi công, 41 tuyến đường địa phương bị hư hỏng do nhà thầu vận chuyển vật liệu cho dự án nhưng chưa được sửa chữa, 11 hầm chui bị ngập nước, 14 cầu vượt dân sinh chưa hoàn thiện, 27 ngôi nhà bị nứt chưa được bồi thường, 52 cống thoát nước ngang đường gom chưa được xử lý...
Trước thực tế này, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu thi công nghiêm túc sửa chữa và hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu cho cao tốc gây ra.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương làm việc với các sở, ban ngành, địa phương liên quan của tỉnh để xác định tình trạng hư hỏng các tuyến đường, thống nhất giải pháp sửa chữa hoàn trả và xác định thời gian hoàn thành để tổ chức triển khai thi công theo kế hoạch, bàn giao cho địa phương.
Để khắc phục những vấn đề tồn đọng, Bộ Giao thông vận tải khẳng định đồng thời với việc đưa dự án vào khai thác, Bộ chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành bàn giao toàn bộ dự án. Đến nay, các nhà thầu triển khai thực hiện hoàn thành phần lớn khối lượng công việc chính.
Đối với các hạng mục mới bổ sung như: đường gom, hệ thống thoát nước... theo kiến nghị của địa phương, để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu đi lại và sinh hoạt của người dân, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cấp chính quyền địa phương rà soát, xác định phạm vi thực hiện, lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng từng phân đoạn cho chính quyền địa phương và sẽ tổ chức thi công ngay sau khi địa phương bàn giao mặt bằng.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc tổ chức triển khai, đảm bảo kết nối đồng bộ khi đưa các dự án vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại và hoạt động sản xuất của người dân.