Sau sự cố kênh đào Suez, nguy cơ tắc "nút thắt cổ chai" tại loạt cảng biển châu Âu
Các tàu hàng châu Á đối mặt nguy cơ tắc nghẽn tại các cảng biển châu Âu và lộ trình quay đầu trở lại châu Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo Nikkei Asia, các tàu chở hàng châu Á đang phải chuẩn bị tinh thần cho một đợt tắc nghẽn quy mô lớn tại các cảng biểu chủ chốt tại châu Âu sau sự cố kênh đào Suez vào tuần trước.
Hôm 23/3, con tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez khi đang trên hành trình từ cảng Tanjung Pelapas của Malaysia tới Rotterdam, Hà Lan. Tới tận ngày 29/3, con tàu khổng lồ mới được giải phóng và giao thông được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, 6 ngày đình trệ giao thông tại tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới khiến hàng trăm tàu chở hàng bị mắc kẹt, gây hệ lụy nghiêm trọng cho ngành vận tải biển.
Ước tính, 80% hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu được vận chuyển tới bằng tàu biển và phần lớn trên những con tàu container từ châu Á đi qua kênh đào Suez.
Những tàu hàng bắt buộc phải đi qua châu Âu dự kiến sẽ cập cảng cùng một lúc trong tuần này. Tiếp đến là những tàu hàng đã tránh kênh đào Suez bằng cách đi vòng qua Mũi Hảo Vọng tại châu Phi.
ĐÒN GIÁNG MẠNH VÀO NGÀNH HẬU CẦN VỐN ĐÃ TÊ LIỆT
Gián đoạn giao thông do sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hậu cần trong bối cảnh hơn một nửa tàu biển trên toàn cầu đã bị chậm hơn lịch trình dự kiến do các lệnh phong tỏa phòng dịch bệnh từ đầu năm 2020.
"Ngành hậu cần đã bị tê liệt trước khi xảy ra sự cố của tàu Ever Given ở kênh đào Suez. Và việc tắc nghẽn tàu container tại các cảng châu Âu sẽ khiến việc đặt tàu xuất xẩu quay đầu ngược về châu Á trở nên phức tạp hơn nhiều", Lothar Thoma, giám đốc phụ trách hàng không và đường biển của Gebrueder Weiss, cho biết. Gebrueder Weiss là công ty hậu cần có trụ sở tại Áo và 19 chi nhánh tại Trung Quốc.
"Tình thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ càng thêm phức tạp hơn khi hàng triệu người Mỹ chuẩn bị nhận 1.400 USD tiền cứu trợ Covid-19 bởi nhu cầu hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt và nhu cầu đối với các tàu container trên tuyến châu Á - Bắc Mỹ cũng tăng mạnh", ông Thoma nhận định.
Bên cạnh đó, ông Thoma cũng cho rằng việc nhiều nước châu Á quyết định kéo dài các biện pháp cách ly tới quý 4 năm nay sẽ dập tắt khả năng gia tăng hoạt động vận tải bằng đường hàng không. Bên cạnh đó, những con tàu đường sắt chạy trên tuyến Con đường Tơ lụa mới từ Trung Quốc sang châu Âu giờ đây đã đầy ắp bộ kít xét nghiệm Covid-19, khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.
"Chúng tôi dự báo phải tới trước tết Nguyên đán năm 2022 (tức tháng 2 năm sau) tình hình mới có thể trở lại bình thường", ông Thoma cho biết. "Về giá vận chuyển tàu biển, mức giá trước khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn ở Suez là 7.500 USD/container 40 foot cho hành trình từ châu Á sang châu Âu. Mức giá này có thể tăng lên tới 10.000 USD ngay khi chính phủ Mỹ phát tiền cứu trợ Covid-19 cho người dân".
Liên đoàn Công nghiệp Đức mới đây cảnh báo rằng sự cố ở Suez sẽ ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp phụ thuộc vào việc sản xuất "đúng kế hoạch", trong đó nghiêm trọng nhất là ngành công nghiệp ôtô.
Hiệp hội các nhà sản xuất thời trang Đức GermanFashion cũng cho biết bộ sưu tập thu đông của các hãng thời trang có thể sẽ rời các cảng châu Á muộn hơn dự kiến. Đây là vấn đề lớn với các hãng bán lẻ vốn phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch.
CHUẨN BỊ ĐÓN "BÃO"
Tại châu Âu, các cảng biển đều cho biết công tác chuẩn bị "làn sóng" tàu cập cảng đã được đẩy lên mức cao nhất. Tại Hamburg, cảng biển lớn nhất tại Đức, công ty xử lý container Hamburger Hafen und Logistik đang chuẩn bị thuê thêm diện tích 100.000 m2 để lưu container. Trong khi đó, các xe tải chở hàng xuất khẩu được hướng dẫn không đến sớm hơn 48 giờ trước khi tàu xuất khẩu đến.
Tương tự, hãng xử lý container PSA lớn nhất tại cảng Antwerp (Bỉ) đã xây dựng khung thời gian làm việc 7 ngày để các tàu container di chuyển tới Trung Đông và Viễn Đông có thể cập cảng. Các cảng biển đang muốn duy trì số lượng container lưu cảng ở mức thấp nhất có thể và tránh tạo thêm các nút thắt cổ chai.
Cảng Piraeus (Hy Lạp), thuộc sở hữu đa số của công ty China COSCO Shipping Corp., đã bắt đầu xử lý hàng hóa suốt ngày đêm và sẽ tiếp tục duy trì điều này nếu cần thiết.
"Việc này sẽ giúp tình trạng quá tải ở cảng Piraeus không ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa và cũng sẽ không gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu thô, hàng hóa tiêu dùng cũng như các mặt hàng nhập khẩu khác cho công nghiệp và thương mại tại khu vực Đông Nam Địa Trung Hải", Vassilis Korkidis, chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Piraeus, cho biết.
Tuy vậy, các tàu chở hàng tại châu Á đang lo ngại rằng tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng châu Âu sẽ làm gián đoạn hoạt động vận tải ở chiều ngược về châu Á.
Li Jianhui, giám đốc chiến lược và vận hành tại công ty China Merchants Port Holdings, đã lên tiếng cảnh báo về lượng containter đáng kể đang tập trung tại các cảng ở châu Âu. Ông ước tính cứ 3,5 container đi từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ thì chỉ có một container quay đầu trở lại.