Sẽ cải cách chính sách tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế
Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, trong đó sẽ tính toán rất kỹ lưỡng về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin nội dung này khi phát biểu giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm, tại phiên thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, chiều 29/5.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận, thành công trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 có sự đóng góp lớn, vai trò quan trọng quyết định của mô hình tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đại dịch đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong bộ máy tổ chức và các mặt hoạt động của mạng lưới này, vẫn còn những sự thiếu đồng bộ cả về mô hình tổ chức lẫn thực tiễn quản lý. Cùng với đó, nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu.
Để giải quyết tổng thế vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh cần đặt việc giải quyết tổ chức, bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở trong tổng thể Nghị quyết 19, đồng thời cũng theo đúng định hướng, yêu cầu của Nghị quyết 20 là tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn với những vấn đề mới phát sinh để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
“Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì chúng ta đều biết trong số công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, thì viên chức y tế chiếm đến 25%”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ xây dựng mới, hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức bộ máy y tế cơ sở, y tế dự phòng, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này. Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng mô hình tổ chức để đảm bảo các yêu cầu về mặt chính trị, xã hội, pháp lý cũng như thực tiễn, nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của nhân dân.
Về chế độ tiền lương cho nhân viên y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói, Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhưng đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27.
“Hiện nay Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Trong đó sẽ tính toán rất kỹ lưỡng về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo đúng quan điểm của Đảng ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng phải có chính sách đặc biệt”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Bộ cũng sẽ tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng viên chức y tế theo đúng Nghị định 115, Nghị định 101 và chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi Nghị định 60 về cơ chế tự chủ, Nghị định 59, Nghị định 69 về xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp y tế, nhất là y tế dự phòng.
Bộ cũng sẽ phối hợp xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng miền, nhất là liên quan đến y tế cơ sở để xác định biên chế cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. “Tuy nhiên, không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với y tế cơ sở”, người đứng đầu ngành Nội vụ khẳng định.
Về phía Bộ Y tế, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai, phương thức thực hiện…
Giải trình thêm về những ý kiến đại biểu quan tâm, như việc chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch Covid - 19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
“Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid - 19 bàn thảo các cái nội dung liên quan đến nội dung này”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm y tế, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá. Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế… Với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.