Siết chặt các đầu mối giao thông, chặn đường buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm
Trước lo ngại các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng có quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi hơn, toàn ngành giao thông vận tải cùng vào cuộc để kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông...
Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 8506/BGTVT-VT gửi các cơ quan, đơn vị thuộc bộ về việc thực hiện thông báo kết luận của Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Công văn số 245/TBVPCP ngày 11/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, chủ động ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả tình trạng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị: các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng và đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị xây dựng các biện pháp, chương trình, kế hoạch cụ thể trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 khi có diễn biến phức tạp, cũng như khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Trước mắt, cần chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19.
Đồng thời, "tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không, nhất là sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Chủ động đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết ngăn chặn, kịp thời có hiệu quả của hành vi vận chuyển hàng lậu.
Tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội bằng các hình thức phù hợp trong công tác tuyên truyền; bổ sung hình thức tuyên truyền trực quan bằng các pano, áp phích tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không và địa bàn trọng điểm.
Xử lý nghiêm hoặc phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên.
Nửa đầu năm, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý hơn 54.000 vụ việc vi phạm, trong đó, có hơn 5.200 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,7% số vụ); hơn 47.700 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,7%); hơn 1.000 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61%). Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022 chưa tương xứng với tình hình thực tế. Số vụ việc được phát hiện, xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.