Singapore muốn thành "thủ phủ" ngân hàng ảo của châu Á
Singapore muốn thu hút các hãng công nghệ tài chính đang trong giai đoạn đầu phát triển và cho phép họ tiếp cận với thị trường ngân hàng nội địa
Ravi Menon, giám đốc điều hành của Cơ quan Tiền tệ Singapore, mới đây cho biết Singapore muốn trở thành "thủ phủ" cho các hãng công nghệ với lợi thế về dữ liệu tại châu Á để giúp cải thiện dịch vụ ngân hàng trong nước cũng như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, Bloomberg cho biết.
"Singapore muốn trở thành cứ địa cho những công ty này khi họ phát triển trong khu vực", ông Menon, người đứng đầu Cơ quan Tiền tệ Singapore từ năm 2011, cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây. "Điều này đồng nghĩa với việc thu hút những công ty này đến đây trong giai đoạn đầu phát triển của họ và cho phép họ tiếp cận với thị trường ngân hàng nội địa".
Đông Nam Á, nơi đang có hàng triệu người chưa tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng, mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng ảo, đặc biệt là cho vay. Thị trường dịch vụ ngân hàng qua các kênh điện tử tại khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng gấp 4 lần lên 110 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo của Bain & Co., Google và Temasek Holdings Pte.
Tâm điểm của tham vọng này là việc Singapore công bố kế hoạch cấp phép hoạt động ngân hàng số cho 5 công ty phi tài chính, gồm 3 công ty nước ngoài. Thời hạn nộp đơn xin cấp phép là hết tháng 12/2019.
Các ngân hàng truyền thống của Singapore như DBS Group Holdings Ltd., Oversea-Chinese Banking Corp. và United Overseas Bank Ltd. hiện đã có dịch vụ số qua nền tảng di động cũng như một số kênh khác. Tuy nhiên, theo ông Meno, vẫn còn nhiều dư địa cho các công ty công nghệ.
"Những công ty này sử dụng nhiều loại dữ liệu nhau khác để đưa ra những đánh giá nhanh chóng và giải ngân khoản vay trong khoảng thời gian ngắn", ông Menon cho biết. "Những điều này hiện đang không được đáp ứng, không dễ để đáp ứng, hoặc cần chi phí và nỗ lực lớn đối với các ngân hàng truyền thống".
Các công ty vừa và nhỏ tại Đông Nam Á hiện không được phục vụ đúng nhu cầu với hệ thống ngân hàng truyền thống. Hơn 70% người trưởng thành, tương đương khoảng 296 triệu người, tại khu vực này hiện chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ ngân hàng.
Menon cho biết ông kỳ vọng các công ty phi tài chính sẽ hợp tác với ngân hàng truyền thống thông qua các liên doanh và hình thức khác.
Điều này có thể sẽ sớm trở thành hiện thực, khi công ty cho vay ngang hàng Validus Capital mới đây tuyên bố hợp tác với ngân hàng OCBC và hai công ty khác để xin cấp phép ngân hàng số, theo Bloomberg.
"Điều quan trọng nhất với chúng tôi, những nhà lập pháp, là đảm bảo rằng khách hàng được hưởng lợi", giám đốc Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết.