So chính sách của ông Trump và bà Harris trong 5 vấn đề quan trọng

Hoài Thu
Chia sẻ

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 được dự báo sẽ có tác động lớn trên toàn thế giới, từ Ukraine, Trung Đông cho tới thương mại toàn cầu…

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris - Ảnh: Getty Images
Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris - Ảnh: Getty Images

Cả thế giới đang chờ kết quả cuộc bỏ phiếu bầu ra tổng thống mới của Mỹ vào ngày 5/11. Trong bối cảnh này, hãng tin Bloomberg đã thực hiện các cuộc thăm dò tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, theo đó tâm lý chung từ các nước thuộc nhóm công nghiệp phát triển G7 cho tới các cường quốc tham vọng ở Nam bán cầu là thận trọng và thực dụng.

Theo Bloomberg, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và các chính trị gia Mỹ cho thấy rằng họ sẵn sàng tận dụng điều này để đạt mục đích của mình, đặc biệt là ông Trump. Do đó, đang có một tâm lý lo ngại khắp nơi rằng tân tổng thống Mỹ sẽ leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đẩy căng thẳng lên cao với các đối tác thương mại khác. Nhiều quốc gia được cho là đã chuẩn bị kế hoạch thuế quan đáp trả, sẵn sàng tung ra bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, cũng đang tồn tại quan điểm ngày càng phổ biến rằng Mỹ là một siêu cường đang già đi và các nước phải chọn phe cẩn trọng hơn. Điều này đúng khi ông Trump theo đuổi chiến lược “Nước Mỹ trên hết” còn bà Harris có cách tiếp cận ôn hòa hơn.

Cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong bối cảnh Ukraine đã bắt đầu cảm thấy bớt được quan tâm hơn, châu Âu đối mặt với câu hỏi liệu họ có thể tự bảo vệ mình hay không, còn Israel đang công khai phản đối lời kêu gọi hòa bình cho dải Gaza của Mỹ - đồng minh chính và cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của nước này

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro với những ảnh hưởng chấn động. Nếu ông Trump thắng và tìm kiếm một thỏa thuận với Nga - đồng nghĩa quay lưng với Ukraine - Liên minh châu Âu (EU) sẽ chia rẽ với một bên muốn chớp lấy cơ hội hòa bình và một bên muốn tự ủng hộ Kiev. “Cú sốc Trump” là cách nhiều bên liên quan ở châu Âu mô tả kịch bản vị cựu tổng thống tái đắc cử.

Dưới đây là phân tích của Bloomberg về tác động của kết quả bầu cử tổng thống Mỹ với 5 vấn đề lớn toàn cầu:

UKRAINE VÀ NATO

Hơn 2 năm rưỡi trôi qua kể từ khi giao tranh Nga-Ukraine nổ ra, Ukraine hiện hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các nước đồng minh, từ vũ khí tối tân cho tới tiền lương cho binh sĩ. Kiev đang hy vọng nhận được thêm nhiều sự ủng hộ để thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán. Tuy nhiên, ông Putin đang thể hiện quan điểm Nga không muốn nhượng bộ và dường như ông cũng tin rằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine rồi cũng sẽ giảm dần.

Về phía 2 ứng viên tổng thống Mỹ, bà Harris tuyên bố sẽ duy trì ủng hộ Ukraine đến khi không còn cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu trở thành tổng thống, bà sẽ đối mặt với sự hoài nghi ngày càng lớn tại Quốc hội về các khoản viện trợ bổ sung lớn dành cho Ukraine. Cũng giống Tổng thống Joe Biden, bà Harris đã từ chối yêu cầu của Ukraine về việc sử dụng tên lửa của đồng minh để tấn công sâu vào nước Nga. Bà cũng từ chối mời Ukraine tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – điều mà Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói là cần thiết để đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Trong khi đó, ông Trump nói rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh “trong vòng 24 giờ” sau khi được bầu làm tổng thống bằng cách đưa ông Putin và ông Zelenskiy vào bàn đàm phán. Dù không nói rõ sẽ làm cách nào, nhưng ông và ứng viên phó tổng thống của mình nhiều lần ám chỉ rằng Ukraine cần sẵn sàng nhượng bộ. Cả hai cũng từng đặt câu hỏi rằng tại sao Mỹ phải chi tiêu quá nhiều để hỗ trợ Ukraine và cho rằng các nước đồng minh châu Âu cần chia sẻ gánh nặng này nhiều hơn.

TRUNG ĐÔNG

Kể từ khi lực lượng Hamas của Palestine tấn công làm 1.200 người tại Israel thiệt mạng hôm 7/10/2023, giao tranh tại dải Gaza đã lan rộng bất chấp những nỗ lực kiềm chế bạo lực của Mỹ. Sau khi gần như đánh bại lực lượng Hamas bằng các cuộc không kích ở Gaza khiến hơn 43.000 dân thường và binh lính thiệt mạng, quân đội Israel hiện đang đối đầu lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen.

Israel cũng giao tranh với Iran – quốc gia ủng hộ Hamas, Hezbollah và Houthi. Bao trùm lên tất cả các cuộc giao tranh này là chương trình hạt nhân của Iran. Chỉ còn vài tuần nữa, chương trình này có thể làm giàu đủ uranium để chế tạo vũ khí, điều mà Mỹ và Israel cam kết sẽ ngăn chặn.

Bà Harris hứa đảm bảo cho Israel có đủ các nguồn lực cần thiết để tự vệ nhưng cũng kêu gọi nước này nỗ lực hơn để giảm thiệt hại cho dân thường tại dải Gaza. Bà ủng hộ lời kêu gọi liên tục – nhưng đến nay chưa thành công – của chính quyền Biden về việc đình chiến ở Gaza.

Trong khi đó, ông Trump nói rằng Israel cần “làm công tác quan hệ công chúng tốt hơn”, đồng thời kêu gọi nước này “nhanh chóng chấm dứt mọi chuyện”.

Trong cuộc tranh luận vào tháng 9, ông Trump né tránh câu hỏi liệu ông có ủng hộ nhà nước Palestine hay không, nhưng kêu gọi hành động nhiều hơn để cô lập Iran. Trong nhiệm kỳ trước đây của mình, ông Trump đã đưa Mỹ đứng ra làm trung gian cho Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập.

THUẾ QUAN

Viễn cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại Mỹ khiến nhiều ngân hàng trung ương và nhà kinh tế lo ngại rằng việc Mỹ dâng cao hàng rào thuế quan có thể khiến chiến tranh thương mại trở nên căng thẳng hơn, kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát tăng lên.

Cảng nước sâu Yangshan ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg
Cảng nước sâu Yangshan ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg

Về phần mình, bà Harris ủng hộ quyết định của chính quyền Biden gia hạn các chính sách thuế quan mà ông Trump triển khai trong nhiệm kỳ trước đối với Trung Quốc, đồng thời ủng hộ việc trợ cấp hàng chục tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và công nghệ cao tại Mỹ. 

Trong khi đó, ông Trump đề xuất tăng thuế quan lên tới 20% với toàn bộ hàng nhập khẩu, riêng hàng Trung Quốc áp thuế 60%. Theo ông, việc này là một biện pháp để kích thích đầu tư vào Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là một chiến thuật đàm phán. Ông Trump nhận định hệ thống thương mại quốc tế hiện tại đang gây bất lợi cho Mỹ và cam kết sẽ làm cân bằng lại nếu trở lại làm tổng thống.

TRUNG QUỐC VÀ ĐÀI LOAN

Sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc tăng lên đang là một vấn đề khiến Mỹ lo ngại và ra sức để kiềm chế. Căng thẳng trên eo biển Đài Loan cũng là một vấn đề được Mỹ chú trọng bởi đây là trung tâm của ngành sản xuất chip thế giới, lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế toàn cầu.

Bà Harris ủng hộ cách tiếp cận của chính quyền Biden với Trung Quốc, đó là kiểm soát xuất khẩu con chip tiên tiến và các công nghệ nhạy cảm khác. Còn ông Trump cam kết áp thuế mạnh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh trong “các lĩnh vực quan trọng”. Với Đài Loan, ông cáo buộc Đài Loan “đánh cắp” ngành công nghiệp chip của Mỹ. Ông cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc chi tiêu nhiều hơn cho quân sự. Trước đây, vị cựu tổng thống từng đe dọa sẽ giảm cam kết quân sự và áp đặt hạn chế thương mại với hai nước này.

NGƯỜI NHẬP CƯ VÀ MỸ LATIN

Làn sóng người nhập cư vào Mỹ ở mức cao kỷ lục nhiều năm đã đẩy vấn đề này trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các ứng viên tổng thống.

Người di cư ngồi bên bờ sông Rio Grande tại biên giới Mỹ-Mexico ở Ciudad Juarez, Mexico vào tháng 4 - Ảnh:Bloomberg
Người di cư ngồi bên bờ sông Rio Grande tại biên giới Mỹ-Mexico ở Ciudad Juarez, Mexico vào tháng 4 - Ảnh:Bloomberg

Bà Harris ủng hộ việc áp đặt hạn chế nghiêm ngặt hơn với người nhập cư bất hợp pháp và hạn chế tị nạn để ngăn chặn dòng người chảy vào Mỹ qua biên giới phía Nam. Bà cũng cam kết thúc đẩy một dự luật kết hợp cả quy định giới hạn người tị nạn mới và dành nhiều ngân sách hơn cho quá trình xử lý và đánh giá đơn xin tị nạn. Phó Tổng thống muốn thực hiện các biện pháp để tăng người nhập cư hợp pháp và tạo ra con đường để một số đối tượng nhập cư được cấp quốc tịch.

Trong khi đó, ông Trump kêu gọi trục xuất hơn 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp, xây dựng các trại giam và triển khai quân đội tại biên giới với Mexico, đồng thời áp đặt giới hạn nghiêm ngặt với các hình thức nhập cư hợp pháp, bao gồm tị nạn và thậm chí quyền công dân ngay khi sinh với con cái của cha mẹ nhập cư bất hợp pháp.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con