Sức ép chốt lời xuất hiện, cổ phiếu lớn giữ nhịp ổn định chỉ số
Độ rộng không xấu đi nhiều trong phiên chiều nay, nhưng nhiều cổ phiếu thu hẹp đà tăng khiến thị trường suy yếu. Hai phút trước khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index chỉ còn tăng hơn 6 điểm so với đỉnh cao buổi sáng tăng tới trên 20 điểm. Rất may là vẫn còn đó nhóm blue-chips hàng đầu tăng khỏe, giúp chỉ số đóng cửa vẫn tăng hơn 12 điểm tương đương 1,15%...
Độ rộng không xấu đi nhiều trong phiên chiều nay, nhưng nhiều cổ phiếu thu hẹp đà tăng khiến thị trường suy yếu. Hai phút trước khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index chỉ còn tăng hơn 6 điểm so với đỉnh cao buổi sáng tăng tới trên 20 điểm. Rất may là vẫn còn đó nhóm blue-chips hàng đầu tăng khỏe, giúp chỉ số đóng cửa vẫn tăng hơn 12 điểm tương đương 1,15%.
Sàn HoSE kết phiên với 306 mã tăng/144 mã giảm, thay đổi không quá nhiều so với thời điểm cuối phiên sáng (340 mã tăng/94 mã giảm). Tuy vậy mặt bằng giá phiên chiều đã bị hạ xuống thấp hơn.
Ngoài 14 cổ phiếu đóng cửa giá trần, HoSE có thêm 150 mã khác tăng trên 1%. Con số này nhỏ hơn buổi sáng (194 mã tăng trên 1%). Ngay trong nhóm VN30, có tới 19 mã tụt giá, trong khi 9 mã khác tăng cao hơn.
Dù cổ phiếu hạ độ cao nhưng điểm số thì không mất đi nhiều. VN30-Index kết phiên tăng 1,13% so với tham chiếu (phiên sáng tăng 1,45%). VN-Index cũng vẫn tăng 1,15% (phiên sáng tăng 1,56%). Nguyên nhân là khả năng giữ nhịp cho chỉ số rất tốt từ nhiều mã blue-chips quan trọng.
VHM là trụ đáng chú ý nhất về giá trong buổi chiều. Chốt phiên sáng VHM chỉ tham chiếu, thậm chí 45 phút đầu tiên buổi chiều còn lao dốc. Lực bán tăng vọt khiến cổ phiếu này bốc hơi 2,32% giá trị. Nhịp giảm này đẩy VHM lùi xuống sát mức đáy cuối tháng 9 và lập tức có cầu nhảy vào mua. Trong vài phút cuối giá VHM biến động dữ dội. Đợt ATC lực mua lớn đẩy vọt giá tăng 2,02% so với tham chiếu, thậm chí còn đóng cửa mức cao nhất. Như vậy dao động trong phiên của VHM tới 4,45% và giá đóng cửa cao hơn phiên sáng 2,02%, đưa VHM từ chỗ là cổ phiếu “vô danh” lọt Top 5 mã kéo điểm số tốt nhất.
Ngoài VHM, loạt trụ đảm bảo điểm số cho VN-Index còn có VIC tăng 4,29%, VCB tăng 2,11%, VNM tăng 3,24%, MSN tăng 3,8%. VN30 vẫn có 24 mã tăng và 5 mã giảm cuối ngày. 14 mã trong số này vẫn đạt mức tăng trên 1%, cho thấy mặt bằng giá của nhóm blue-chips không tổn hại nhiều. Tuy vậy, STB vẫn tụt tới 3% so với buổi sáng và đóng cửa giảm 2,48% so với tham chiếu; SSI tụt 2,47%, chốt giảm 1,11%; GAS tụt 1,6%, chốt giảm 0,45%...
Hiệu ứng tụt giá chiều nay cho thấy có áp lực bán mới xuất hiện. Tuy vậy thanh khoản khá thấp và biên độ lùi giá hạn chế, thể hiện lực bán này cũng chưa đủ để gây tổn hại cho thị trường. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết buổi chiều giảm gần 6% so với phiên sáng, đạt 4.878 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 4,4%, đạt 4.433 tỷ đồng.
Một phần của lực bán gia tăng đến từ khối ngoại. Cuối phiên sáng giá trị bán trên HoSE ghi nhận 383,7 tỷ đồng, cuối phiên vọt lên 1.267,2 tỷ đồng. Như vậy riêng chiều nay nhà đầu tư nước ngoài đã xả ra 883,5 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Trong khi đó mua vào chỉ đạt 668,2 tỷ đồng. Do bán nhiều hơn mua, nên tổng vị thế giao dịch của khối này tại HoSE hôm nay lại là bán ròng hơn 30 tỷ.
HPG bị bán ròng rất mạnh với 158,8 tỷ, tức là riêng chiều xả ròng thêm gần 110 tỷ đồn nữa. VHM cũng bị tăng bán lên 73,2 tỷ ròng. DXG -49 tỷ, STB -20,3 tỷ. Phía mua có VNM được giải ngân tăng lên 124,8 tỷ đồng ròng. Nhóm DPM, VCB, NKG, VND, MSN, CTG được mua ròng trong khoảng 20-30 tỷ đồng.
Mặc dù không thể “đổ lỗi” cho khối ngoại chiều nay, nhưng động thái tăng bán có thể là một quan điểm giao dịch ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục. Điều quan trọng là lực bán vẫn nằm trong tầm hỗ trợ của bên mua. Thực tế thanh khoản phiên chiều thấp là một tín hiệu tốt vì các giao dịch ngắn hạn như vậy cũng không rõ rệt. VN-Index quay lại đà tăng sau một phiên điều chỉnh duy nhất tiếp tục thể hiện sự thay đổi của thị trường sau hơn một tháng lao dốc không phanh và không thể phục hồi nổi quá 1 phiên.