Suy thoái kinh tế thế giới nhìn từ thị trường dầu thô

Hồng Hạnh
Chia sẻ

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết giá dầu thô đã giảm gần 40% giá trị so với mức đỉnh kỷ lục hồi tháng 3/2022. Giá dầu thô đã ghi nhận nhiều tuần giảm liên tiếp, bất chấp rủi ro nguồn cung liên quan tới yếu tố địa chính trị, và kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện kéo dài của một số quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+)….

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

CẮT GIẢM SẢN LƯỢNG KHÔNG KHIẾN GIÁ DẦU TĂNG MẠNH

Dù không phải là yếu tố duy nhất, nhưng trong lịch sử trước các cuộc suy thoái khoảng 1 đến 2 năm, giá dầu hay biến động bất thường. Điển hình là các cuộc khủng hoảng giá dầu tăng cao đã từng diễn ra vào các năm 1973, 1979, 1990 và 2007.

Mối quan hệ giữa giá dầu và suy thoái kinh tế.
Mối quan hệ giữa giá dầu và suy thoái kinh tế.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết, so với yếu tố nguồn cung, nhu cầu dầu thô là bài toán khó can thiệp hơn vì gắn liền với sức khỏe nền kinh tế, và cần điều tiết thông qua công cụ chính sách vĩ mô. Vì thế, trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới suy yếu, các nước xuất khẩu, điển hình nhất nhóm OPEC+ đã lựa chọn cắt giảm sản lượng mạnh mẽ nhằm hỗ trợ giá.

Trong quá khứ, sản lượng dầu của nhóm OPEC thường giảm rất mạnh khi xảy ra các cuộc suy thoái kinh tế. Suốt một năm qua, tổng mức cắt giảm sản lượng của nhóm đã lên tới gần 5 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu toàn cầu. Điều này có thể khiến sản lượng của OPEC trong năm nay giảm trung bình từ 1 đến 2 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.

Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia thậm chí phải đơn phương cắt giảm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7 cho đến hết năm nay. Thế nhưng điều này cũng chỉ khiến giá dầu thế giới tăng mạnh trong quý 3/2023.

Bối cảnh trên đặt ra hoài nghi về việc kinh tế thế giới có đang tiến dần tới một cuộc suy thoái như các minh chứng trong lịch sử hay không, khi việc liên tục cắt giảm sản lượng không còn là bệ đỡ cho giá dầu trong trung hạn.

TIÊU THỤ DẦU MỎ SUY YẾU TẠI CÁC NỀN KINH TẾ LỚN

Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhu cầu dầu của Mỹ tăng 0,7% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tích cực hơn mức tăng trưởng âm (-1,8%) vào năm trước, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 5 năm trước dịch Covid-19 (khoảng 1,2%).

Trong báo cáo tháng 11 mới nhất của EIA, tổng mức tiêu thụ xăng dầu của Mỹ được dự báo giảm 300.000 thùng/ngày xuống 20,1 triệu thùng/ngày trong năm nay. EIA dự kiến mức tiêu thụ xăng của Mỹ sẽ giảm 1% vào năm 2024, dẫn đến mức tiêu thụ xăng bình quân đầu người thấp nhất trong hai thập kỷ. Nguyên nhân là do giá xăng cao và lạm phát kéo dài làm giảm nhu cầu xăng bình quân đầu người.

Dự báo năm tới, nhu cầu của châu Âu (EU) cũng tăng trưởng chậm, thậm chí giảm trung bình 1,5% vào nửa cuối năm 2024 so với năm nay. Đây là khu vực có nhiều cảnh báo về suy thoái kinh tế hơn, so với tình hình tương đối lạc quan tại Mỹ.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris cho biết tình hình sử dụng dầu tổng thể của Đức được dự báo sẽ giảm khoảng 90.000 thùng/ngày trong năm nay. So với thị trường năng lượng toàn cầu, đây là một con số nhỏ. Tuy nhiên, con số đó tương đương với việc giảm khoảng 4% mức tiêu thụ hàng năm của Đức.

Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô các nền kinh tế lớn.
Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô các nền kinh tế lớn.

Điểm sáng hiếm hoi là Trung Quốc. Thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào nhu cầu tăng trưởng dầu của nước này sẽ khả quan hơn so với các nền kinh tế lớn khác.

Nhưng đà phục hồi đang vấp phải nhiều thách thức. Suy cho cùng, một quốc gia xuất siêu hàng hoá như Trung Quốc sẽ khó có đà tăng trưởng mạnh trong bối cảnh kinh tế bên ngoài kém sắc.

Giá dầu thô cao hơn, nhu cầu dầu diesel và xăng suy yếu đã ảnh hưởng đến lợi nhuận tại các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc trong vài tháng qua. Lần đầu tiên kể từ đầu năm, lợi nhuận tại các nhà máy lọc dầu tư nhân, chiếm khoảng 1/4 công suất toàn quốc, đã chuyển sang mức âm (-140 NDT/tấn). Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc quay trở lại với giảm phát trong tháng 10 sau hai tháng phục hồi.

HI VỌNG “THOÁT ĐÁY SUY THOÁI” VẪN MONG MANH

Gắn bức tranh tiêu thụ trên thị trường dầu thô của các nền kinh tế lớn với chu kỳ tăng trưởng, có thể thấy nhu cầu dầu mỏ là một trong những “phong vũ biểu” cho sức khoẻ của các quốc gia này.

Công cụ theo dõi từ Fidelity Investment cho thấy, nền kinh tế Mỹ và EU đang trong giai đoạn “xuống dốc”, nhưng chưa chạm đáy “suy thoái”, trong khi Trung Quốc đang bước vào chu kỳ “phục hồi” với tốc độ khá chậm. Điều này đồng pha với xu hướng tiêu dùng dầu mỏ.

Nhìn chung, việc tiêu thụ dầu được đánh giá còn khá yếu trong thời gian tới còn có thể hiểu theo cách khác rằng, tăng trưởng kinh tế cũng chưa thể đi lên từ đáy một cách nhanh chóng.

Vị trí các nền kinh tế lớn trong chu kỳ tăng trưởng.
Vị trí các nền kinh tế lớn trong chu kỳ tăng trưởng.

“Thị trường dầu mỏ đã thay đổi rất nhiều so với hàng chục năm trước, khi "quyền lực" trở nên phân tán hơn. Trong quá khứ, OPEC đã từng chiếm lĩnh gần 60% thị phần nguồn cung toàn cầu, nhưng hiện tại chỉ đạt gần 40%. Bên cạnh áp lực từ nhu cầu, việc giá dầu suy yếu còn do sự bù đắp nhanh chóng trong sản lượng từ các nước không thuộc khối OPEC, điển hình là Mỹ. Sản lượng dầu hiện tại của Mỹ cũng đã vượt kỷ lục thiết lập năm 2020, đạt mức 13,2 triệu thùng/ngày”, ông Dương Đức Quang đánh giá.

Chính vì vậy, tiêu thụ kém sắc biểu thị tăng trưởng còn ảm đạm và tình hình còn có thể kéo dài sang năm sau, nhưng sẽ rất khó để suy đoán chính xác suy thoái xảy ra hay không nếu chỉ dựa vào bức tranh nhu cầu trên thị trường dầu mỏ.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV: “MXV nhận định giá dầu khó tăng mạnh trong thời gian tới, trừ khi có thêm những cú sốc bất ngờ về nguồn cung từ yếu tố địa chính trị, hay việc cắt giảm sản lượng sâu hơn từ các nước xuất khẩu lớn.

Tuy vậy, cắt giảm quá sâu trong thời gian dài cũng sẽ ảnh hưởng tới thị phần xuất khẩu. Hơn nữa, việc giá dầu tăng 10 USD/thùng thông thường có thể đẩy lạm phát toàn cầu thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm, và khiến GDP giảm tới 0,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, các nước tiêu thụ dầu hàng đầu như Mỹ hay EU vẫn cần giữ giá năng lượng ổn định để giải quyết bài toán chống lạm phát, ít nhất là trong ngắn hạn”.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con