Tái diễn nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến

Hồng Vinh
Chia sẻ

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện tình trạng người dân bị lừa đảo khi nâng hạn mức thẻ tín dụng, bẫy quà tặng 0 đồng, điện thoại mạo danh,… là những hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua…

Khuyến cáo lừa đảo nâng cấp thẻ tín dụng bị mất 90 triệu đồng - Ảnh minh họa.
Khuyến cáo lừa đảo nâng cấp thẻ tín dụng bị mất 90 triệu đồng - Ảnh minh họa.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác hơn và thường xuyên cập nhật thông tin về an toàn trực tuyến.

NÂNG CẤP THẺ TÍN DỤNG BỊ MẤT 90 TRIỆU ĐỒNG 

Công an TP. Hà Nội cho biết, mới đây, một phụ nữ ở quận Long Biên đã bị chiếm đoạt 90 triệu đồng khi nâng cấp thẻ tín dụng online. Theo đó, Công an phường Đức Giang, quận Long Biên nhận được đơn trình báo của chị H. (SN 1975, trú tại Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo chị H., chị có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng và được tư vấn nâng hạn mức thẻ tín dụng. Sau đó, đối tượng kết bạn Zalo và gửi đường link yêu cầu chị truy cập và cung cấp thông tin Căn cước công dân, thẻ tín dụng và mật khẩu OTP. Sau đó, chị H. nhận được thông báo thẻ tín dụng bị trừ gần 90 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không được cung cấp các thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số thẻ, mã thẻ hay thông tin xác thực giao dịch (mã OTP),… cho bất cứ ai qua bất kỳ hình thức nào để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị lấy cắp thông tin và trục lợi. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định. 

BẪY QUÀ TẶNG 0 ĐỒNG

Chiêu lừa gọi điện thông báo “trúng thưởng”, được nhận quà tặng “tri ân khách hàng” 0 đồng không mới nhưng khiến nhiều người dễ dàng sa vào chiếc “bẫy” lừa đảo, tài khoản mất trắng từ vài triệu tới cả tỷ đồng.

Vừa qua, một nạn nhân của chiêu trò, chị M.T (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã nhận được lời mời nhận quà tặng từ một thương hiệu thời trang Tokyo Life. Sau khi đồng ý, chị T. được nhân viên tư vấn là Ngọc Ánh hỗ trợ về cách thức nhận quà là cung cấp địa chỉ, số điện thoại và tham gia một nhóm chat trên Zalo có khoảng hơn 400 thành viên. Để tạo lòng tin, đối tượng lừa đảo gửi cho chị T. video quảng cáo của nhãn hàng và bảo chị click vào để nhận tri ân là lì xì từ 20.000 – 50.000 đồng.

Tái diễn nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến - Ảnh 1

Sau đó, đối tượng lại tiếp tục hướng dẫn chị T tham gia sự kiện nhằm tăng doanh số bán hàng cạnh tranh với trang bán hàng điện tử Tiki, nhờ chị T tạm bỏ ra 250.000 đồng chuyển vào công ty Tiki để tạo một hóa đơn, giúp tăng mức tiêu thụ sản phẩm cho nhãn hàng. Sau khi tham gia 3 – 5 phút, chị sẽ nhận về số tiền gốc là 250.000 đồng và hoa hồng.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn đưa ra lý do phải làm thao tác trên mới nhận được phiếu quà tặng 0 đồng để khiến nạn nhân sập bẫy. Tuy nhiên, do nghi ngờ rằng không có mức hoa hồng nào dễ dàng như vậy, chị T đã liên hệ trực tiếp với đường dây nóng của Tokyo Life và được biết thương hiệu này không có chương trình tri ân tặng quà nào cả.

Trước tình trạng người dân liên tục bị lừa đảo bằng hình thức quà tặng tri ân hay việc nhẹ lương cao trên, Cục An toàn thông tin cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mất an toàn thông tin cá nhân của người dùng Internet là sự bất cẩn và dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân qua mạng xã hội, mua sắm trực tuyến, … hoặc qua hình thức trực tiếp.

Đồng thời, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cần phải đề cao cảnh giác trước những cuộc gọi dịch vụ. Tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số thẻ, tài khoản ngân hàng, mã OTP,... để tránh bị đối tượng lừa đảo đánh cắp thông tin sử dụng vào mục đích phạm pháp hoặc bị chiếm đoạt tài sản.

“Người dân cần phải nắm bắt thông tin cần biết cách tự bảo vệ và có biện pháp lưu trữ, phân loại và chia sẻ thông tin phù hợp; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin của mình cho các dịch vụ trên mạng”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo. 

ĐIỆN THOẠI MẠO DANH LÃNH ĐẠO CÔNG AN TỈNH ĐỂ LỪA ĐẢO

Vào ngày 9/1, Trưởng Công an huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết, gần đây xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Công an huyện Tây Hòa gọi đến số điện thoại của lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp xã để thông báo số điện thoại của họ bị người khác chiếm đoạt.

Các đối tượng mạo danh lãnh đạo này yêu cầu các cán bộ cấp xã, huyện cung cấp thông tin và hình ảnh cá nhân để lấy lại số điện thoại, nếu không số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa trong một thời gian ngắn nữa.

Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Yên khẳng định, lực lượng công an khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và cần làm việc với người bị tố giác đều phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập gửi đến cá nhân, hoàn toàn không yêu cầu chụp hình giấy mời gửi qua mạng xã hội, hoặc làm việc, lấy lời khai qua điện thoại.

Tái diễn nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến - Ảnh 2

Ngoài ra, Công an xã Hàm Cường (tỉnh Bình Thuận) cho biết, gần đây, một số đối tượng sử dụng đầu số di động: 0837xxx, 0838xxx702, 0886xxx514... gọi điện cho cán bộ xã, người dân về việc thông tin cá nhân, tài khoản định danh điện tử bị sai lệch thông tin. Sau đó, các đối tượng tiếp tục dùng số điện thoại khác gọi và yêu cầu công dân điều chỉnh thông tin và gửi kết bạn qua tài khoản Zalo để hướng dẫn hỗ trợ cập nhật thông tin. Thậm chí còn nêu ra thời hạn ngắn ép người dân phải thực hiện tải ứng dụng giả mạo cổng Dịch vụ công quốc gia để thao tác trên ứng dụng.

Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin đưa ra khuyến cáo cho người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và đề phòng trước những chiêu trò trên. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.

Đồng thời, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định. 

LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC QUA WEBSITE

Với nhu cầu tiêu dùng lớn, Trung Quốc được coi là thị trường lớn đầy tiềm năng cho nhiều loại mặt hàng. Do đó, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua 2 website: www.gacc.app và www.aqsiq.net.

Tái diễn nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến - Ảnh 3

Trước thông tin này, Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc không yêu cầu về loại giấy tờ này và quy định thu phí trực tuyến. Đổng thời, 2 website trên có dấu hiệu giả mạo và lừa đảo doanh nghiệp khi sử dụng tên viết tắt tiếng Anh của các cơ quan trực thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc trong địa chỉ website. 

Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu các doanh nghiệp phải trả phí từ 100-1.000 USD để đăng ký giấy tờ chứng nhận mã số xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết hoàn toàn không có chuyện thu phí về việc cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.

Trước chiêu trò lừa đảo tinh vi trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và chỉ nên truy cập vào các website chính thức của phía đối tác nước ngoài. Với đối tác phía Trung Quốc, website sẽ có đuôi .cn như trên để kiểm tra kết quả đăng ký, tra cứu thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời liên tục cảnh giác với các yêu cầu bất thường trong quá trình giao thương với đối tác.

"Trong trường hợp nhận có phía khách hàng yêu cầu như vậy thì đề nghị các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia là Văn phòng SPS Việt Nam, để giải đáp các quy định cho doanh nghiệp", Cục An toàn thông tin cho hay. 

CHO VAY NẶNG LÃI MƯỢN DANH CƠ SỞ CẦM ĐỒ

Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết, đơn vị đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và Công an thành phố Thuận An triệt phá và tạm giữ nhóm đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1993, tạm trú tại Khu dân cư Việt Sing, tỉnh Bình Dương) cầm đầu.

Theo điều tra, đối tượng chủ mưu cho vay lãi nặng mượn danh cơ sở kinh doanh cầm đồ, dưới hình thức công nghệ, kết hợp truyền thống bằng cách lập ra trang web "vaytienmatbinhduong247.com"; tạo tài khoản facebook "F88hotro247" và "Cầm đồ Kim Phát" để đăng tải các nội dung cho vay, hỗ trợ tài chính nhằm mở rộng tìm kiếm khách hàng. Đối tượng khách hàng mà hội hướng đến là người dân sinh sống trên địa bàn và các địa phương giáp ranh.

Tái diễn nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến - Ảnh 4

Ngoài ra, để điều hành hoạt động cho vay, đối tượng chủ mưu thuê từ 6-8 đối tượng (từ 23 đến 30 tuổi) và trả lương 8 triệu đồng/tháng/người để phát tờ rơi quảng cáo vay tiền, tìm người có nhu cầu vay, tiếp xúc cho vay và thu tiền lãi, tiền góp.

Sau điều tra, các đối tượng đều khai nhận từ tháng 6/2022 đến nay, đối tượng đã cho một bị hại vay tiền 29 lần với lãi suất hình thức vay đứng là 730%/năm và hình thức góp là 365%/năm. Cơ quan điều tra đã xác định được 49 người vay tiền của nhóm đối tượng này với tổng số tiền khoảng 24 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy.

“Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con