Tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò Việt Nam

Nhật Nam
Chia sẻ

Một tàu thăm dò của Việt Nam đã bị tàu cá Trung Quốc lao vào cắt cáp vào sáng 9/6, tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam

Một tàu hải giám Trung Quốc đã tham gia cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02, hôm 26/5.
Một tàu hải giám Trung Quốc đã tham gia cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02, hôm 26/5.
Một tàu thăm dò của Việt Nam đã bị tàu cá Trung Quốc lao vào cắt cáp vào sáng 9/6, tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều cùng ngày.

Hành động có tính hệ thống

Cụ thể, vào lúc 6 giờ ngày 9/6/2011, trong khi tàu Viking II do Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) - thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 6o 47,5’ Bắc và 109o 17,5’ Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II, sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ.

Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo, nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II, và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường.

Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226. .

Bà Nguyễn Phương Nga khẳng định, khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đáng chú ý là vụ việc nói trên xảy ra ngay sau vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam ngày 26/5 vừa qua, làm cho tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng. Các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, thực hiện mục tiêu biến yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc thành hiện thực. Đây là điều phía Việt Nam không thể chấp nhận.

"Phía Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam", bà Nga nhấn mạnh.

Chiều 9/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của Việt Nam.

Quyết tâm bám biển

Trong khi đó, nguồn tin từ trang Tin nhanh Năng lượng mới - thuộc Petro Vietnam - cho biết, tàu Viking II đã phối hợp với các tàu bảo vệ khẩn trương gỡ và thu lại phần cáp bị rối nói trên, đồng thời kiểm tra, xác định thiệt hại của sự cố này và sẽ cố gắng khắc phục kỹ thuật để sớm đưa hoạt động trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

Trả lời phỏng vấn báo Năng lượng mới, ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc PTSC, nói: “Việc tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam và xông thẳng vào vị trí tàu Viking II đang hoạt động, mặc dù tàu bảo vệ và tàu Viking II đã có cảnh báo bằng pháo hiệu, gọi loa, kéo còi báo động nhưng họ vẫn bất chấp, điều đó cho thấy rằng đây không phải là tàu đánh cá bình thường, mà họ hoạt động phá hoại theo những âm mưu, bài bản đã được tính toán”.

Ông Dũng cũng cho biết, ngay từ khi vụ tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp, lãnh đạo Petro Vietnam và lãnh đạo PTSC đã chỉ đạo cho cán bộ, công nhân viên đang làm công tác thăm dò, khảo sát trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam phải hết sức bình tĩnh, không được manh động.

Cán bộ và công nhân viên trên các tàu của PTSC vẫn quyết tâm bám biển, sẵn sàng đối phó với những âm mưu phá hoại của Trung Quốc, ông Dũng nói.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con