Thanh Hóa có hơn 9.500 lao động xuất khẩu nước ngoài
Số lao động này tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Ước tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh này đưa khoảng 12.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Theo báo cáo mới nhất, từ đầu năm 2024 tới nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm mới cho khoảng 48.800 lao động, đạt 84,1% kế hoạch năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, địa phương này đã đưa 9.518 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 58,6% kế hoạch năm và bằng 95% so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản với 3.459 lao động, Đài Loan với 3.978 lao động, Hàn Quốc với 1.820 lao động...
Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh sẽ tạo việc làm mới cho khoảng 62.000 lao động, vượt 6,9% kế hoạch đề ra, trong đó đưa khoảng 12.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gấp 2,0 lần kế hoạch đề ra; qua đó, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65%, tương ứng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm tỉ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 5,65%, tương ứng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã chỉ đạo tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và phiên lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố với 266 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 8.732 lượt người lao động tham gia tuyển dụng.
Qua đó, kết nối việc làm thành công cho 1.291 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Hướng dẫn 4.482 lao động trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Tỉnh Thanh Hóa thực hiện giới thiệu 55 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và 10 doanh nghiệp tuyển lao động trong nước về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động trên địa bàn. Phối hợp, tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận cho người lao động tại 6 huyện miền núi.
Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 8/2024, tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 507.665 người, tăng 5,24% so với cùng kỳ năm trước, với tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tham gia bảo hiểm xã hội đạt 29,73%.
Trong đó: có 421.782 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt 95,89% kế hoạch năm và có 85.883 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 68,5% kế hoạch năm; tổng số lao động tham gia bao hiểm thất nghiệp là 397.093 người, đạt 96,12% kế hoạch năm, trong đó tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 23,26%.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa chỉ đạo, hướng dẫn các trường trung cấp, trường cao đẳng đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2024; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm.
Trong 9 tháng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh này ước thực hiện tuyển sinh khoảng 60.000 người, bằng 71,96% kế hoạch năm và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; ước đến hết năm 2024, sẽ thực hiện tuyển sinh đối với 83.380 người, qua đó nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: 29,5% có bằng cấp, chứng chỉ, tăng 1,66% so với cùng kỳ.