Thanh Hóa thu hút nhiều dự án lớn
Với những tiềm năng, lợi thế và các chính sách thu hút đầu tư thiết thực đã giúp Thanh Hóa tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư của nhiều dự án lớn trong 9 tháng năm 2024...
Trong 9 tháng năm 2024, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, như trong thu đầu tư, từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp (có 17 dự án FDI), tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12.433 tỉ đồng và 367,8 triệu USD.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh này thu hút được 33 dự án (có 12 dự án FDI), số vốn 5.186 tỉ đồng và 185,3 triệu USD, lĩnh vực thương mại, dịch vụ 31 dự án (5 dự án FDI), số vốn 570 tỉ đồng và 182,5 triệu USD; lĩnh vực khai khoáng 16 dự án, số vốn 279 tỉ đồng; lĩnh vực nông nghiệp 5 dự án, số vốn 203 tỉ đồng; lĩnh vực hạ tầng 9 dự án, số vốn 6.195 tỉ đồng.
Một số dự án có quy mô lớn đầu tư vào Thanh Hóa trong 9 tháng năm nay, như: Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa với vốn đầu tư 3.199 tỉ đồng, Hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận với vốn đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng, Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa tại huyện Thiệu Hóa hơn 1.444 tỉ đồng; Trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối 220kV Thanh Hóa - Sầm Sơn hơn 1.300 tỉ đồng...
Trong 9 tháng năm 2024, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả khá toàn diện. Toàn tỉnh này gieo trồng được 389,8 nghìn ha, đạt 100,5% kế hoạch; lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững; toàn tỉnh trồng được 9.250 ha rừng tập trung, bằng 92,5% KH, tăng 4,5% so với cùng kỳ; chăn nuôi phát triển ổn định.
Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa trong 9 tháng qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tăng trưởng mạnh. Cụ thể chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 20,2%.
Cũng trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh này đã thành lập mới 2 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Thuần Lộc (Hậu Lộc) và cụm công nghiệp Minh Tiến (Ngọc Lặc); khởi công xây dựng một số dự án công nghiệp và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn; Nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia tại huyện Hoằng Hóa; Nhà máy giày tại xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa)....
Trong lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tỉnh Thanh Hóa tăng 14% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tăng 27,3%; tổng lượng khách du lịch vượt 4,7% kế hoạch và tăng 19,6%, tổng thu du lịch tăng 39,2%; doanh thu vận tải tăng 14,3%.
Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 Thanh Hóa ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20% dự toán, tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 26.194 tỷ đồng, vượt 19% dự toán, tăng 45,7%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 16.501 tỷ đồng, vượt 21,8% dự toán, tăng 43,1%.
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập mới 2.411 doanh nghiệp, bằng 80,4% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 18.417 tỉ đồng, tăng 43,5%; có 635 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 12%; có 1.160 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20%. Thành lập mới 46 hợp tác xã, vượt 21 hợp tác xã so với kế hoạch.