Thế giới ôm “bom” nợ công 91 nghìn tỷ USD
Các chính phủ trên toàn cầu đang gánh số nợ kỷ lục 91 nghìn tỷ USD, gần ngang với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của thế giới. Khối nợ công khổng lồ này rất có thể sẽ gây ra sóng gió trên thị trường tài chính trong những năm sắp tới...
Một nguyên nhân quan trọng khiến nợ công toàn cầu tăng mạnh gần đây là tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra. Các chính phủ đã phải vay nợ để chi những khoản tiền kích cầu lớn nhằm giúp người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chống chọi với đại dịch. Giờ đây, chính những khoản nợ đó lại đang đe dọa mức sống của người dân và sự ổn định của thị trường tài chính tại nhiều quốc gia, ngay cả những nước giàu như Mỹ.
Tuy nhiên, năm nay là năm chứng kiến số cuộc bầu cử nhiều chưa từng thấy trên thế giới, nên các chính trị gia hầu như phớt lờ vấn đề nợ nần. Họ không muốn làm mất lòng cử tri bằng những biện pháp cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách và vay nợ như tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Trong một số trường hợp, thậm chí các chính trị gia còn đưa ra những lời hứa hẹn mà nếu trở thành hiện thực sẽ đẩy lạm phát leo thang trở lại, hoặc tệ hơn là châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây nhắc lại lời cảnh báo rằng vấn đề “thâm hụt tài khóa kinh niên” ở Mỹ phải được “giải quyết khẩn cấp”. Nhà đầu tư từ lâu đã có chung quan điểm lo lắng như vậy về xu hướng dài hạn của nền tài chính công của Mỹ. “Tình trạng thâm hụt ngân sách tiếp diễn và gánh nặng nợ nần gia tăng không chỉ còn là một mối lo trung hạn nữa”, ông Roger Hallam, Trưởng bộ phận lãi suất thuộc Vanguard, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, thông tin với hãng tin CNN.
NỢ CÔNG LỚN, KHÓ ĐỦ ĐƯỜNG
Cùng với đà leo thang không ngừng của nợ công trên toàn cầu, nhà đầu tư cũng ngày càng lo ngại hơn. Ở Pháp, bất ổn chính trị đã khuếch đại nỗi lo về nợ nần của nước này, khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Pháp tăng mạnh. Ngay cả khi cuộc bầu cử Quốc hội sớm của Pháp có thể không dẫn tới sự ra đời của một chính phủ cực hữu, đồng nghĩa nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính chỉ ở mức thấp, nhà đầu tư vẫn đang đòi hỏi Paris phải trả lãi suất cao hơn để vay tiền từ thị trường tài chính, bởi khoảng cách giữa chi và thu của Chính phủ ngày càng lớn.
Chi phí vay nợ gia tăng đồng nghĩa một chính phủ không còn ngân sách dồi dào cho các dịch vụ công quan trọng, hay dư địa tài khóa để ứng phó với các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính, dịch bệnh hay chiến tranh. Do lợi suất trái phiếu chính phủ là căn cứ để xác định lãi suất của các loại nợ khác như các khoản vay thế chấp nhà, nên lợi suất trái phiếu tăng đồng nghĩa lãi suất đi vay cao hơn đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, dẫn tới tổn hại đối với tăng trưởng kinh tế.
Khi lãi suất tăng, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân giảm xuống và khả năng vay nợ của chính phủ để ứng phó với các cuộc suy thoái cũng bị thu hẹp.
Theo bà Karen Dynan, cựu Kinh tế trưởng của Bộ Tài chính Mỹ và hiện là một giáo sư thuộc Trường Kennedy của Đại học Harvard, việc giải quyết vấn đề nợ nần của Mỹ sẽ đòi hỏi phải tăng thuế hoặc cắt giảm các chế độ phúc lợi như an sinh xã hội hay các chương trình bảo hiểm y tế. “Nhiều chính trị gia không sẵn sàng nói về những lựa chọn khó khăn cần thiết. Đây là những quyết định rất nghiêm trọng và có thể gây ra những hệ quả rất lớn đối với cuộc sống của người dân”, bà Karen Dynan nhấn mạnh.
Giáo sư kinh tế Kenneth Rogoff của Đại học Harvard nhất trí rằng Mỹ và các quốc gia khác cần phải thực thi những điều chỉnh “đau đớn”. “Nợ bây giờ không còn là miễn phí nữa. Vào thập niên 2010, nhiều học giả, nhà hoạch định chính sách và quan chức ngân hàng trung ương đi đến quan điểm rằng lãi suất sẽ mãi mãi ở mức gần 0 họ bắt đầu nghĩ rằng vay nợ là một bữa trưa miễn phí. Lối nghĩ đó luôn là sai lầm bởi việc một chính phủ vay nợ cũng giống một người có khoản vay thế chấp nhà lãi suất thả nổi, và nếu lãi suất tăng mạnh, tiền lãi sẽ tăng lên nhiều. Đó chính là những gì đang diễn ra trên khắp thế giới”, ông Kenneth Rogoff cho biết.
Trong tài khóa hiện tại, Chính phủ Mỹ sẽ phải chi 892 tỷ USD để trả lãi, số tiền còn lớn hơn cả ngân sách quốc phòng và gần bằng ngân sách cho Medicare - chương trình bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người tàn tật. Tài khóa tới, tiền lãi Chính phủ Mỹ phải trả sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD cho số nợ hơn 30 nghìn tỷ USD - tương đương quy mô của nền kinh tế nước này, theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO). Cơ quan này dự báo nợ công của Mỹ sẽ lên tới 122% GDP trong 10 năm tới, vào năm 2054, nợ công của nước này sẽ lên tới 166% GDP và trở thành một nhân tố có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế.
Vậy, một quốc gia nợ bao nhiêu là quá nhiều? Các nhà kinh tế học không cho rằng có một “mức định sẵn về nợ công mà ở đó những điều tồi tệ sẽ xảy ra trên thị trường”, nhưng hầu hết tin rằng mức nợ công 150-180% GDP đồng nghĩa với “tổn thất rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội nói chung”.
Bất chấp sự cảnh báo gia tăng về khối nợ của Chính phủ liên bang Mỹ, cả đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump - hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay - đều chưa đưa ra lời hứa nào về kỷ luật ngân sách trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 5/11/2024.
Trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên được phát sóng trên truyền hình mới đây, ông Biden và ông Trump cáo buộc lẫn nhau làm cho tình hình nợ nần của quốc gia trở nên tồi tệ hơn. Ông Biden chỉ trích việc đối thủ đến từ Đảng Cộng hòa cắt giảm thuế, trong khi ông Trump phê phán ứng cử viên của Đảng Dân chủ chi tiêu quá mức.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Sintra, Bồ Đào Nha ngày 3/7/2024, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hướng đi tài khóa của Mỹ hiện nay là không bền vững và đây là “vấn đề quan trọng bậc nhất”. Ông nhấn mạnh thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ đang “rất lớn” và nên được giải quyết càng sớm càng tốt...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2024 phát hành ngày 08/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam