Thị trường lao động quý 1/2022 phục hồi nhưng chưa bền vững
Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố do biến chủng Omicron nhưng lực lượng lao động, số người có việc làm trong quý 1/2022 vẫn tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, đặc biệt là lao động trong ngành dịch vụ…
Tại buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý 1/2022 ngày 12/4, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết với chiến lược thích ứng an toàn và tăng tốc độ bao phủ vaccine, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
“Nhờ đó, thị trường lao động quý 1/2022 đã dần phục hồi trở lại”, ông Tiến nhận định.
Cụ thể, trong quý 1/2022, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,0 triệu người, tăng 962,6 nghìn người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng chủ yếu ở khu vực thành thị và ở nam giới (tương ứng là tăng 850,2 nghìn người và 203,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Trong tổng số 50,0 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người.
Cùng với sự gia tăng số người có việc làm, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 1/2022 cũng giảm 135,2 nghìn người so với quý trước xuống 1,3 triệu người. Theo đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước nhưng tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40%).
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình thiếu việc làm đã quay trở lại với thực trạng thường được quan sát ở nước ta với xu hướng tỷ lệ này ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị, sau khi chứng kiến 3 quý liên tiếp từ quý 2 đến quý 4 năm 2021 với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn.
Về thu nhập bình quân tháng của người lao động, trong quý 1/2022, mức thu nhập là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), với sự sôi động trở lại của nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.
Nếu như quý 3/2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý 4/2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139 nghìn đồng so với quý 3.
“Bước sang quý 1 năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng”, đại diện Tổng cục Thống kê thông tin.
So với quý trước, thu nhập của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng.
Lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng.
Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng theo ông Nguyễn Trung Tiến, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững.
Đó là số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.
Trước tình hình đó, đại diện Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ nên tập trung vào 3 nhóm giải pháp ưu tiên.
Thứ nhất, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ hai, triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.