Thời gian giảm thuế ngắn ngủi, gấp gáp đưa chính sách đến người dân, doanh nghiệp

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có thêm gói hỗ trợ tài chính với quy mô đủ lớn và dài hơi. Bởi nhiều chính sách miễn, giảm thuế khá ngắn ngủi, chỉ trong 2 hay 6 tháng, chưa kịp vực dậy doanh nghiệp. Với các chính sách đã ban hành, cần sớm đi vào cuộc sống thay vì chỉ "kêu gào" hỗ trợ…

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề như vận tải, du lịch, nghệ thuật... được giảm 30% thuế giá trị gia tăng trong 2 tháng cuối năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề như vận tải, du lịch, nghệ thuật... được giảm 30% thuế giá trị gia tăng trong 2 tháng cuối năm 2021.

Trải qua gần hai năm hứng chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt vẫn đang đi trong "giông bão", chịu nhiều tổn thất nặng nề. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi.

Tuy nhiên, luỹ kế 10 tháng năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp trong trạng thái trì trệ, ngấp nghé bờ vực phá sản lên đến 97,1 nghìn doanh nghiệp, vẫn lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Theo đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

NẶNG GÁNH CHI PHÍ, DOANH NGHIỆP ĐIÊU ĐỨNG

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam do Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Đại học Fullbright Việt Nam (FUV) đồng tổ chức ngày 5/11, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, làn sóng đại dịch lần thứ 4 gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. Khả năng ứng phó, thích ứng của doanh nghiệp cũng khó khăn hơn nhiều so với những làn sóng trước đó.

Bà Lan phân tích, các giải pháp Chính phủ và chính quyền các địa phương đưa ra nhiều khi quá mức cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều chính sách, Chỉ thị ban hành trong thời gian ngắn, không đủ tính minh bạch, đồng bộ, nhất quán và thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp và người dân thực sự bối rối.

 
"Số lượng doanh nghiệp kiệt quệ lớn hơn, trải rộng trên tất cả các loại hình khác nhau, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình... từ khu vực đô thị lớn đến các vùng nông thôn không trực tiếp có dịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề”.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế.

Từ đó, gây ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, cầu nội địa giảm mạnh, nguồn cung khó khăn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào leo thang và hàng loạt nhân tố bên ngoài cũng như bên trong gây khó cho doanh nghiệp.

Theo đó, chi phí phòng chống Covid, chi phí ”ba tại chỗ”, ”một cung đường, hai điểm đến” tại tâm dịch, chi phí xét nghiệm, khó khăn cấp giấy đi lại, tiếp cận vaccine,... tại các khu vực kháctrở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp. ”Những chi phí này đánh rất nặng vào khả năng tài chính của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề", bà Lan nhấn mạnh.

Dù vẫn vững vàng trước tác động tiêu cực của đại dịch nhưng ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse cũng bộc bạch, trong suốt ba tháng đóng cửa, đầu ra doanh nghiệp thiệt hại đến 50-70%. Trước đây, chúng ta có một suy nghĩ lạ lùng, cho phép thông thương sản xuất nhưng đóng đầu ra, đóng hết cửa hàng, gần như doanh nghiệp không bán được hàng, mất nguồn thu. Như vậy, thông thương sản xuất là vô nghĩa. Vì vậy, tình hình tài chính doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bởi khi dùng hết nguồn lực, khi quay lại phục hồi sẽ khó khăn. “Chính sách tốt hiện nay cần cho doanh nghiệp là giúp họ giãn hoãn nợ, thuế hoặc cấp tiếp tín dụng cho đối tượng này”, ông Phú nêu quan điểm.

GIA HẠN, MIỄN, GIẢM KHOẢNG 140 NGHÌN TỶ THUẾ, PHÍ

Đáng chú ý, hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí, báo chí, truyền hình... chịu tổn thất nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Chỉ sau 8 ngày, để Nghị quyết số 406 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh của thế giới, đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính. 

 
"Tổng số tiền thực hiện chính sách dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 15/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng, cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh".
Bộ Tài chính.

Theo đó, thứ nhất, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.

Thứ hai, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Thứ ba, giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề như vận tải, du lịch, nghệ thuật...

Thứ tư, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Trước đó, hàng loạt chính sách về thu ngân sách nhà nước kịp thời điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân cũng được ban hành.

Cụ thể, giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021. Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

Các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ quý 1/2021; giảm 30% tiền thuê đất, tăng gấp đôi so với mức giảm 15% vào năm 2020; tiếp tục miễn giảm 30 loại phí, lệ phí...

Trong báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2021, chính sách hỗ trợ về thuế được doanh nghiệp đánh giá là dễ tiếp cận nhất đồng thời cũng hữu ích nhất, tiếp theo là chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn và đứng cuối là chính sách hỗ trợ giãn thời gian cho vay và giảm lãi suất vay.

Cụ thể, 57% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận hỗ trợ giảm lãi suất và giãn thời gian cho vay so với 44% ở chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và chưa đến 40% ở chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

”Đây là một phát hiện khá bất ngờ, bởi các chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp thường bị chỉ trích là chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp thành công, vốn đã kiếm thừa đủ tiền để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi hỗ trợ không đáng kể cho các doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng về doanh thu và lợi nhuận”, VCCI nhận định.

SỚM ĐƯA CHÍNH SÁCH VÀO CUỘC SỐNG

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hữu ích nhưng chỉ với một số doanh nghiệp có đủ thông tin, nguồn lực, liên kết, tài chính và phương tiện để tiếp cận.

Cũng theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thủ tục hành chính nhận hỗ trợ vẫn còn nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, do thông tin hướng dẫn không đầy đủ nên người dân, doanh nghiệp không biết mình liệu có thuộc diện được hỗ trợ trong đợt mới hay không.

Cộng đồng doanh nghiệp, người dân mong muốn nhà nước rút kinh nghiệm từ những bài học của những gói hỗ trợ năm 2020 và năm 2021 và lắng nghe hơn nữa khuyến nghị của doanh nghiệp và người dân, của các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đưa ra một cách khá thấu đáo, để đưa ra giải pháp sống chung an toàn với đại dịch trong tương lai.

Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, các chủ trương này cần sớm đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp có thêm dòng tiền tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Bởi theo Điều 3, Nghị định 92, việc giảm 30% thuế giá trị gia tăng chỉ trong thời gian 2 tháng, từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hàng hóa, dịch vụ, với những lĩnh vực phải chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua như vận tải, du lịch, phát hành phim ảnh, giảm 1 tháng so với đề xuất trước đó của Bộ Tài chính. Hay chính sách miễn các loại thuế khác đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng ngắn ngủi, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021.

“Bất kỳ Chính phủ nào trên thế giới đều rất thận trọng, cân nhắc đắn đo khi ra quyết định, phải nâng lên đặt xuống chỉ một vài phần trăm với chính sách miễn, giảm thuế nên các chính sách khó kéo dài”, ông Thịnh cho biết thêm.

Phân tích thêm về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong vòng 2 tháng cuối năm, ông Thịnh cho hay, về bản chất, thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế, còn doanh nghiệp chỉ thu hộ cho nhà nước.

Vì vậy, “giảm thuế giá trị gia tăng về bản chất, không phải giảm cho doanh nghiệp, mà là giảm thuế cho người tiêu dùng, để kích cầu. Tuy nhiên, trong thực tế, dù giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi nhiều, mà các doanh nghiệp thường hưởng hết”, ông Thịnh nhận định. Nhưng mức giảm 30% giá trị gia tăng chưa đủ tác dụng kích cầu vì rất ít tác động tới giảm giá hàng hóa.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng phương thức, cách thức tài trợ để chính sách đến được doanh nghiệp và kích thích doanh nghiệp thực sự mới là bài toán khó, thay vì chỉ "kêu gào" hỗ trợ doanh nghiệp đơn thuần.

 
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế.
"Cần phải có thêm gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, thực hiện ngay và kịp thời. Bởi nếu hỗ trợ quá ngắn chỉ hết năm 2021, chắc chắn nền kinh tế không thể phục hồi được. Năm 2022 thậm chí còn chưa đủ, có những trường hợp, chính sách phải kéo dài sang năm 2023 mới giúp doanh nghiệp phục hồi.
Trong đó, cần những giải pháp kích thích cầu tiêu dùng, vừa trực tiếp giúp cho người dân, vừa tạo lực đỡ cho doanh nghiệp Việt. Bởi phần lớn doanh nghiệp Việt hoạt động chủ yếu ở thị trường trong nước chứ không phải xuất khẩu. Số doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 30% đa phần là doanh nghiệp có quy mô, chứ không phải hộ kinh doanh gia đình hay doanh nghiệp vừa và nhỏ". 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con