Thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu về đích, ngân sách ước đạt 1,22 triệu tỷ
Luỹ kế 10 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1,22 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, thu ngân sách từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán, về đích sớm so với kế hoạch...
Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước thực hiện 10 tháng ước đạt 90,9% dự toán, tương đương 1,22 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 87,9% dự toán, tăng 1,9% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô ước đạt 143,6% dự toán, tăng 12,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 106,6% dự toán, tăng 27,7%.
Cũng theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước, có 53 địa phương thu nội địa 10 tháng đạt trên 83% dự toán, trong đó, 49 địa phương thu đạt trên 88% dự toán. Bất chấp khó khăn vì đại dịch, có 41 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, cá biệt, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%. Còn lại chỉ có 10 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp.
"Một số ngành, lĩnh vực duy trì được mức tăng trưởng khả quan, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...".
Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính nhận định.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2021 vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng 20,6 USD/thùng so với giá dự toán, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô.
Kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm tăng, trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế lũy kế 10 tháng ước tăng 31,55% so cùng kỳ, từ đó, giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu.
Ở chiều ngược lại, chi ngân sách nhà nước, thực hiện 10 tháng ước đạt 68,1% dự toán.
Trong đó, chi thường xuyên đạt 77% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 77,6% dự toán.
"Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển vẫn chậm được cải thiện. Cá biệt, “vẫn còn 2 cơ quan là Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021”.
Vụ Ngân sách nhà nước.
Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển vẫn chậm được cải thiện, mới đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước đạt 60,89%, vốn ngoài nước chỉ đạt 15,29% kế hoạch.
Bên cạnh đó, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đểu ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ước tính 10 tháng, ngân sách nhà nước chi 50,77 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19. Trong đó, 31,55 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định chi từ Quỹ vaccine phòng Covid-19 là 7,94 nghìn tỷ đồng để mua vaccine.
Bên cạnh đó, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch và 153,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về cân đối ngân sách nhà nước, tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng có thặng dư, trong đó ngân sách trung ương bội chi, ngân sách địa phương thặng dư lớn.
Bộ Tài chính chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương và thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn của ngân sách nhà nước.
Tính đến ngày 28/10/2021, phát hành được 253,86 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,34 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.