Thu hồi đất hai bên đường mới: Bồi thường phải đảm bảo nguyên tắc “ngang giá”
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM vừa có ý kiến đóng góp về "Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố"
HoREA cho rằng, giá trị đất đai tăng thêm sau khi xây dựng đường giao thông không được điều tiết đầy đủ vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dẫn đến tình trạng không công bằng trong thụ hưởng giá trị sử dụng đất đai tăng thêm, tiềm ẩn “xung đột lợi ích” trong xã hội.
Do đó, trường hợp “thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch, tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư” của “Đề án” sẽ có nhiều mặt tích cực như hội, tăng nguồn thu ngân sách thông qua tăng nguồn thu tiền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng bất động sản, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhà nước thu hồi đất lân cận hai bên đường giao thông để có quỹ đất, vừa phục vụ tái định cư tại chỗ, vừa để thực hiện các dự án vì lợi ích công cộng, vừa sử dụng các thửa đất dôi dư để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch để lựa chọn nhà đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách, thu hồi một phần nguồn vốn đã đầu tư cho dự án hạ tầng, giao thông.
Bên cạnh đó sẽ khắc phục được tình trạng phát sinh các căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” cạnh tuyến đường chính, gây mất mỹ quan đô thị. Có thể thu hồi được toàn bộ, hoặc chí ít là một phần nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án phát triển hạ tầng, giao thông.
“Bồi thường công bằng, cùng mặt bằng giá cho tất cả mọi người có đất bị thu hồi trong phạm vi dự án. Nhà nước có quỹ đất để thực hiện tái định cư tại chỗ, thực hiện được mục tiêu “an dân”. Các thửa đất bên trong sẽ không còn trường hợp “bỗng nhiên” trở thành đất mặt tiền đường giao thông, không còn xảy ra “xung đột” lợi ích với người có đất bị thu hồi”, chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Tuy vậy, vẫn còn mặt khó khăn như cần phải có nguồn vốn lớn hơn rất nhiều, để bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trong trường hợp Nhà nước vừa thu hồi đất để làm đường giao thông, vừa đồng thời thu hồi đất lân cận hai bên đường, so với dự án chỉ giải phóng mặt bằng trong phạm vi lộ giới đường giao thông.
“Khó nhất là việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, đảm bảo thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, trước hết là phải đảm bảo nguyên tắc “ngang giá” và nguyên tắc “tái định cư tại chỗ”, để đạt được sự đồng thuận của các đối tượng bị thu hồi đất”.
HoREA cũng kiến nghị hoàn thiện nội dung điểm c Mục 3 Phần III của “Đề án”, như sau: "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất rộng hơn kề bên hạ tầng, đường giao thông và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi hạ tầng, giao thông và người có đất kề bên hạ tầng, giao thông; mỗi người bị thu hồi đất, nhà ở đều được bố trí tái định cư tại chỗ bằng nền nhà, hoặc căn nhà thấp tầng, hoặc căn hộ nhà chung cư, theo Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, để thu hồi một phần nguồn vốn đã đầu tư cho công trình hạ tầng, đường giao thông.
Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cần được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất; khi đạt được đa số ý kiến của cộng đồng đồng thuận (đa số thường được lấy là 2/3) thì phương án được phê duyệt. Thiểu số những người không đồng thuận vẫn được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.