Thu ngân sách giảm quá sâu khiến lãnh đạo tỉnh Bình Định lo lắng
Hiện có 3 vấn đề khiến lãnh đạo tỉnh Bình Định lo lắng nhất là thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công và chỉ tiêu sử dụng nước sạch ở đô thị chưa đạt kỳ vọng...
UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế xã hội 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.
Ông Lê Hoàng Nghi – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 9 tháng năm 2023 tăng 6,92% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 2,68 điểm phần trăm (GDP cả nước tăng 4,24%), xếp vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố, thứ 7/14 địa phương vùng miền Trung và thứ 1 trong 5 địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tất cả các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,25%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,57% (riêng công nghiệp tăng 4,68%); dịch vụ tăng 7,69%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,97% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm của Bình Định vẫn duy trì sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 2,68% so cùng kỳ; tính chung 9 tháng năm 2023 tăng 1,51% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 8.989,6 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 77.391,9 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phục hồi và tiếp tục tăng cao hơn tháng trước và đạt 150,3 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 1.154 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch năm và giảm 6,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thu ngân sách tiếp tục gặp khó do khoản thu tiền sử dụng đất không đạt như kỳ vọng. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 là 8.407,7 tỷ đồng, đạt 61,6% dự toán, giảm 31,1% so với cùng kỳ.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 22/9/2023 đạt 5.619,3 tỷ đồng, đạt hơn 73,6% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và đạt hơn 58,3% so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng nền kinh tế tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, với giá trị GRDP qua 9 tháng tăng 6,92% là kết quả rất đáng mừng. Năm nay, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, tỉnh tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Chỉ số các ngành này tăng trưởng góp phần “đỡ” cho công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, với các dự án sản xuất công nghiệp mới đang triển khai, năm tới sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn.
Cũng theo chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong các chỉ số phát triển kinh tế xã hội, hiện lo lắng nhất là 3 chỉ số về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công nhất là giải ngân vốn đầu tư 3 chương trình Mục tiêu quốc gia và chỉ tiêu sử dụng nước sạch ở đô thị. Ngoài ra, giá trị tổng sản phẩm địa phương của Quy Nhơn và An Nhơn, có quy mô kinh tế lớn chưa đạt cần phải nỗ lực hơn để thực hiện đạt các chỉ tiêu UBND tỉnh đã giao.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết từ năm 2024, tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cho đơn vị quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trong đó cụm công nghiệp 1 năm phải thu hút được ít nhất 2 dự án, khu công nghiệp mỗi năm thu hút từ 5 - 10 dự án. Nếu địa phương không làm được trong 1 - 2 năm sẽ thu hồi để chuyển giao cho doanh nghiệp.