Thủ tướng: Chuyển đổi số phải nhiệt huyết, cảm xúc, không hình thức, không đánh trống ghi tên

Tiến Dũng
Chia sẻ

Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số cần hiệu quả, có sản phẩm để doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP

Ngày 27/4, chủ trì phiên họp thứ 2 của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả đáng mừng, tích cực trông công tác chuyển đổi số thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại.

"Dù còn vấn đề trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nhưng những mặt tốt, tích cực vẫn đạt được nhiều hơn, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước tốt hơn. Lòng tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng cao", Thủ tướng nói.

CẦN HIỆU QUẢ, CÓ SẢN PHẨM ĐỂ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng phê bình một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc khi tham gia cuộc họp của Ủy ban. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu quán triệt tinh thần nhiệt huyết, cảm xúc, trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được phân công thì mới có hiệu quả, "không hình thức", "không đánh trống ghi tên".

"Chúng ta cần hiệu quả, sản phẩm, cần doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, nhận thức tầm quan trọng về chuyển đổi số của các cấp, các ngành, các địa phương có chuyển biến, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban, nhưng so với yêu cầu thực tế, hành động phải đẩy mạnh hơn nữa, bằng hành động thực chất.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định về chuyển đổi số, trong đó có phê duyệt Ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Thời gian qua, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số đã được đẩy mạnh triển khai như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp, kết nối và mở rộng, làm giàu dữ liệu bao gồm: Dữ liệu bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi vaccine phòng Covid-19 được tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân; cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ Căn cước công dân trong khám chữa bệnh…

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP

Hiện tại, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như: bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế.

Trước hết là nhận thức về chuyển đổi số chưa toàn diện, đồng đều ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, "nhiều khi còn hình thức", "cần cương quyết loại bỏ".

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp, chưa chủ động, cần phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là huy động doanh nghiệp, người dân vào công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách.

Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới gần 54% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp, khoảng 9,4%.

Chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng mang lại như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông… để giúp mọi người bình đẳng về cơ hội phát triển, cơ hội hưởng thụ như nhau về kết quả chuyển đổi số.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Nhiều nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nền tảng thanh toán điện tử triển khai chậm. Việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả.

An toàn, an ninh mạng còn sơ hở. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ dữ liệu người dân còn chưa được chú trọng đúng mức. "Bên cạnh sự phát triển của công nghệ số thì an toàn, an ninh rất quan trọng", Thủ tướng lưu ý.

Công tác đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng. Nguồn lực triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số còn hạn chế.

"Trong chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu là rất quan trọng nhưng nhiều năm qua các bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức đến việc tích lũy cơ sở dữ liệu, làm cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI)", Thủ tướng nêu rõ.

THỦ TƯỚNG GIAO VIỆC CỤ THỂ CHO CÁC BỘ, NGÀNH

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong sự phát triển chung của đất nước.

Trong quý 2/2022, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó".

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất thành lập bộ phận giúp việc của Ủy ban có hiệu quả nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế, từ đó hình thành tổ giúp việc ban chỉ đạo các cấp. Hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. "Đoàn Thanh niên cần tập trung thực hiện các phong trào có trọng tâm trọng điểm như học tập ngoại ngữ, tin học chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, gắn với lợi ích quốc gia, lợi ích của từng cá nhân, tạo xung lực, động lực cho mỗi người", Thủ tướng lưu ý thêm.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng nhân lực làm công nghệ thông tin chuyên trách.

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2022.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động VNEID, nhằm định hình hệ sinh thái công dân số để phục vụ nhu cầu định danh, xác thực thông tin của người dân theo hướng người dân có thể được định danh và xác thực điện tử dễ dàng thông qua môi trường mạng.

Văn phòng Chính phủ tập hợp, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các chương trình chung của Ủy ban; tiếp thu các ý kiến phát biểu, hoàn thiện tài liệu phiên họp chất lượng, ngắn gọn, súc tích, bao quát, tổng hợp, dễ hiểu, dễ nghe, dễ tuyên truyền, dễ nói, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Tập trung, xây dựng, phát triển, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng chấp nhận thanh toán viện phí, thanh toán các khoản chi phí khám chữa bệnh theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo sẵn sàng chấp nhận thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan triển khai mô hình "Giáo dục đại học số", hoàn thành Đề án thí điểm trong quý 2/2022.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu để người nông dân có thể khai thác trong nuôi, trồng, sử dụng đất đai có hiệu quả, có thị trường, có liên kết.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án đổi tên đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ phù hợp, đúng với nội hàm chuyển đổi số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chuyển đổi số, thực hiện chức năng nhiệm vụ, trong đó nắm được tình hình đầu tư, phân tích được tính kịp thời, hiệu quả, đúng chủ trương của các dự án đầu tư.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chủ quản thí điểm thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả đồng vốn thông qua hệ thống điện tử.

Các bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc cập nhật kế hoạch hành động đến năm 2025 của cấp chính quyền với đầy đủ 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với các chiến lược quốc gia, tình tình của cơ quan, đơn vị mình.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch hành động năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban, theo từng quý.

Triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022.

Đối với việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh phải được triển khai ngày từ ngày 01/6/2022. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu triển khai theo yêu cầu Quyết định 06/QĐ-TTg thực hiện số hóa từ ngày 01/7/2022.

Thủ tướng đồng ý chủ trương huy động chuyên gia chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác quốc tế; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tọa đàm làm rõ các vấn đề mới, khó để nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số, hiểu được lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, giám sát việc thực hiện chính sách.

Thủ tướng nêu rõ: Cần tập trung nâng cao nhận thức chuyển đổi số một cách thực chất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng số trọng tâm, trọng điểm, triển khai hiệu quả đầu tư công, vận dụng cải cách hành chính, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, hợp tác quốc tế, vận dụng các quy định pháp luật sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả.

 

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý 1/2022, đóng góp của kinh tế số đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa qua triển khai Quyết định 06 đã tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được cho 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số.

Xã hội số, với trọng tâm là công dân số, được chú trọng phát triển. Một số ứng dụng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng. Thủ tướng yêu cần đẩy nhanh tốc độ tăng công dân số để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế.

Các hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam được các cơ quan, định chế, tổ chức quốc tế quan tâm, đánh giá tích cực và dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu về chuyển đổi số trong khu vực ASEAN.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con