Thủ tướng họp với các lãnh đạo ngân hàng thương mại về tăng trưởng tín dụng
Sáng 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng dự hội nghị với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ngoài ra, hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, cầu tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng làm giảm sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 11 hội nghị và nhiều cuộc họp, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số nhóm ngành, lĩnh vực, lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại hầu hết các địa phương đã có hàng chục hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên khắp cả nước cũng đã tổ chức trên dưới 500 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14,5%); mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
Tại nhiều hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức trước đó, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều cho biết đang "đỏ mắt" tìm khách hàng vay.
Trong bối cảnh hiện nay, rủi ro của toàn nền kinh tế đang tăng lên, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Theo FiinGroup, kết quả kinh doanh quý 3/2023 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy lợi nhuận tăng tốc ở ngành công nghệ thông tin, hồi phục mạnh ở ngành dầu khí và tài nguyên cơ bản trong khi suy giảm ở ngành bất động sản, bán lẻ, hóa chất. Đây đều là những ngành có nhu cầu tín dụng lớn. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản thường xuyên chiếm khoảng trên 21% quy mô tín dụng của nền kinh tế.
Rủi ro của nền kinh tế tăng mạnh khiến nợ xấu tăng trong quý 3/2023 và khả năng sẽ thể hiện rõ hơn trong nửa đầu năm 2024. Bởi lẽ, ngân hàng là ngành phản ánh cuối cùng những khó khăn nền kinh tế giai đoạn trước.
Thống kê 27/29 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong quý 3/2023 tăng từ 2,09% lên 2,24%. Xét mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ xấu (nợ từ nhóm 3 trở lên) và nợ quá hạn (nợ từ nhóm 2 trở lên), mức gia tăng trong nợ quá hạn nhanh hơn nhiều so với nợ xấu.
Nợ xấu tăng trong quý 3/2023, nhưng dự phòng rủi ro không tăng tương xứng, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Thậm chí, có những ngân hàng giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để duy trì mức lợi nhuận khả quan. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 123% cuối năm 2022 xuống 94% cuối quý 3/2023.