Tiền ngoại sốt ruột mua lại, cổ phiếu tăng giá hàng loạt
Khối ngoại gây bất ngờ lớn chiều nay khi đổ tiền vào mua ròng mạnh hơn 442 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là phiên thứ 2 nhóm này mua ròng, phát tín hiệu tích cực về khả năng đảo chiều hoàn toàn xu hướng rút vốn những tháng cuối năm 2023. Thị trường lợi đà có một phiên tăng trên diện rộng và VN-Index đóng cửa tạm thời vượt qua đỉnh cao ngắn hạn...
Khối ngoại gây bất ngờ lớn chiều nay khi đổ tiền vào mua ròng mạnh hơn 442 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là phiên thứ 2 nhóm này mua ròng, phát tín hiệu tích cực về khả năng đảo chiều hoàn toàn xu hướng rút vốn những tháng cuối năm 2023. Thị trường lợi đà có một phiên tăng trên diện rộng và VN-Index đóng cửa tạm thời vượt qua đỉnh cao ngắn hạn.
VN-Index chốt phiên tăng 0,62% tương đương +6,94 điểm, đạt 1.128,93 điểm. Mức đóng cửa cao nhất trong hai tháng qua là 1.127,63 ngày 12/12/2023. Như vậy về mức đóng cửa, chỉ số đã cao hơn đỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên nếu tính theo biên độ tối đa, ngưỡng cao nhất VN-Index chạm tới là 1.132,75 điểm ngày 15/11/2023 và 1.132,21 điểm ngày 13/12/2023. Do đó trạng thái vượt đỉnh vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn, nhất là khi hôm nay VN-Index vẫn chưa thể đóng cửa ở đỉnh cao nhất phiên.
Thị trường chiều nay giao dịch tốt hơn đáng kể so với phiên sáng khi dòng tiền đổ vào mạnh hơn cũng như đà tăng giá mạnh hơn. Ấn tượng đầu tiên là dòng vốn ngoại bất ngờ mua ròng mạnh mẽ. Tính riêng chiều nay, khối này giải ngân 972,5 tỷ đồng trên sàn HoSE và bán ra 488,5 tỷ, tương ứng mua ròng 484 tỷ đồng. Phiên sáng khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ 5,7 tỷ. Tính chung cả ngày nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 442,4 tỷ đồng.
Đây là phiên thứ hai liên tục khối ngoại quay đầu mua ròng với cổ phiếu sàn HoSE. Hôm qua khối này mua ròng gần 115 tỷ đồng cổ phiếu sàn này. Sau chuỗi tháng bán ròng liên tục, áp lực rút vốn của nhóm nhà đầu tư này đã hạ nhiệt. Hai phiên trở lại đây động thái mua ròng là tín hiệu tích cực về khả năng dòng vốn này sẽ đảo chiều hoặc ít nhất đợt rút vốn đã kết thúc.
Các cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều hôm nay là VHC +73,3 tỷ, HCM +52,4 tỷ, HSG +38,1 tỷ, ASM +31,1 tỷ, HPG +28,4 tỷ, MWG +27,8 tỷ, VPB +24,3 tỷ, PLX +20,4 tỷ, VCB +20,2 tỷ. Phía bán có GMD -35,5 tỷ, BID -29 tỷ.
Có thể thấy giao dịch của khối ngoại không tập trung nhiều vào nhóm blue-chips. Thực tế rổ VN30 chỉ được mua ròng hơn 90 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân của khối này chỉ chiếm gần 12% thanh khoản rổ. Tuy nhiên nhóm VN30 lại là các mã giao dịch sôi động đáng kể hôm nay với thanh khoản tăng 30% so với phiên hôm qua, đạt 4.969 tỷ đồng mức cao nhất 9 phiên. Trong khi đó thanh khoản Midcap lại giảm nhẹ 2%, Smallcap giảm 17%.
Thêm nữa, chỉ số VN30-Index kết phiên với mức tăng 1,13%, trong khi Midcap tăng 0,19%, Smallcap tăng 0,11%. Các blue-chips chiếm trọn các vị trí dẫn dắt điểm số, mạnh nhất là bộ đôi VIC tăng 1,95%, VHM tăng 4,3%. Ngoài ra có thể kể tới VPB tăng 1,62%, VNM tăng 1,48%, TCB tăng 2,11%. Đây là các mã nằm trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường.
Độ rộng chỉ số cuối phiên rất tốt với 312 mã tăng/163 mã giảm, tích cực hơn nhiều so với phiên sáng (222 mã tăng/197 mã giảm). Loạt cổ phiếu thu hút thanh khoản rất cao và giá tăng khá là TCB tăng 2,11% với 180,3 tỷ đồng; ACB tăng 1,93% với 248 tỷ; NKG tăng 1,87% với 225,3 tỷ; HCM tăng 1,8% với 317,9 tỷ; VPB tăng 1,62% với 191,7 tỷ; VCI tăng 1,55% với 280,1 tỷ… Không nhiều cổ phiếu bị xả rõ nét, hầu hết các mã giảm sâu nhất đều có thanh khoản nhỏ. CTD giảm 1,58% thanh khoản 101,8 tỷ, DCM giảm 1,39% với 103,3 tỷ, HAG giảm 1,08% với 627,4 tỷ đồng là đáng chú ý nhất.
Chiều nay hai sàn nhận được lượng tiền mua khá mạnh, đẩy thanh khoản lên cao. Tổng giá trị khớp phiên chiều đạt xấp xỉ 9.099 tỷ đồng, tăng 86% so với phiên sáng. Đi kèm với mức thanh khoản cao này là mặt bằng giá được nâng lên, cho thấy có lực cầu chủ động. Dù vậy do phiên sáng giao dịch quá yếu nên cả ngày mức khớp lệnh 2 sàn chỉ tăng chưa tới 5% so với hôm qua, đạt 14.002 tỷ đồng. Nếu gộp chung cả thỏa thuận, tổng giá trị giao dịch 3 sàn còn giảm 19%, đạt 17.304 tỷ đồng.