Tiền vào Midcap, cổ phiếu bất động sản thanh khoản ấn tượng
Dầu khí, ngân hàng, thép vẫn là những cổ phiếu giao dịch lớn hôm nay, nhưng bất động sản mới là những mã thu hút dòng tiền tốt nhất và đẩy được giá tăng cao. Đặc biệt sàn HoSE có sự dịch chuyển dòng tiền trở lại nhóm Midcap khi 21 phiên rổ này mới lại chiếm tỷ trọng vượt 40% sàn...
Dầu khí, ngân hàng, thép vẫn là những cổ phiếu giao dịch lớn hôm nay, nhưng bất động sản mới là những mã thu hút dòng tiền tốt nhất và đẩy được giá tăng cao. Đặc biệt sàn HoSE có sự dịch chuyển dòng tiền trở lại nhóm Midcap khi 21 phiên rổ này mới lại chiếm tỷ trọng vượt 40% sàn.
Sau hơn chục phiên khá ấn tượng của rổ VN30 khi thanh khoản luôn chiếm trên 45% giá trị HoSE, hôm nay rổ này đã “thất sủng”. Nguyên nhân đến từ các mã ngân hàng đã không còn hút tiền tốt như trước, dù biến động giá không quá xấu.
Cổ phiếu ngân hàng duy nhất trong rổ VN30 tăng giá là STB, chốt trên tham chiếu 0,3%. Vài mã ngân hàng nhỏ tăng khá hơn như PGB tăng 3,33%, ABB tăng 1,16%, ABB tăng 0,96%, nhưng toàn bộ 27 mã ngân hàng trên các sàn cũng chỉ có được 9 mã tăng và 13 mã giảm.
Nhóm ngân hàng giảm nhiều hơn tăng, nhưng thực chất chỉ là biến động thông thường. Trừ EIB giảm sâu nhất 3,89%, BID giảm 2,27%, các blue-chips ngân hàng sàng HoSE giảm không nhiều. Yếu nhất là CTG cũng chỉ mất 0,86%, TCB chỉ giảm 0,39%, VCB tham chiếu.
Tuy vậy hôm qua các mã ngân hàng vừa phục hồi, hôm nay dòng tiền đã suy giảm và không đẩy giá tiếp được. Toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng trên HoSE phiên này giảm 33% giá trị khớp lệnh so với hôm qua, tỷ trọng thanh khoản tụt xuống còn 19% giá trị sàn, trong khi hôm qua còn chiếm gần 29%, phiên đầu tuần tới 33,5% và trung bình tuần trước là 28,4%.
Sự suy yếu dòng tiền ở các mã ngân hàng dĩ nhiên có ảnh hưởng đến thanh khoản chung. Tuy nhiên hôm nay tổng giao dịch khớp lệnh HoSE vẫn tăng nhẹ 1,4% so với phiên trước, đạt gần 17.729 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhóm cổ phiếu bất động sản tăng thanh khoản tích cực.
Trong Top 10 thanh khoản toàn thị trường, cổ phiếu bất động sản đóng góp nhiều như GEX, FLC, KBC, CII, CEO, VCG, DIG, DXG, PDR... Nhóm cổ phiếu VNREAL sàn HoSE bao gồm 43 cổ phiếu bất động sản thì tới 31 mã tăng/8 mã giảm, trong đó 7 mã tăng kịch trần. Chỉ số đại diện nhóm chỉ tăng 0,28% do những trụ như VIC, NVL mất điểm. Ngược lại thanh khoản của nhóm này tới 3.456,5 tỷ đồng, tức là còn cao hơn cả thanh khoản của nhóm ngân hàng.
Rổ Midcap sàn HoSE tập trung rất nhiều cổ phiếu bất động sản đã hưởng lợi từ dòng tiền đổ vào. Đó là nguyên nhân giúp rổ này tăng 28% giá trị giao dịch phiên này, đạt gần 7.804 tỷ đồng, tương đương 44% giá trị sàn. Lần tỷ trọng thanh khoản cao hơn mức này là phiên ngày 11/1/2022 với 45%. Tuy vậy giá trị tuyệt đối cách nhau khoảng xa, hôm nay chỉ bằng một nửa phiên ngày 11/1. Chỉ số Midcap đóng cửa cũng tăng 0,99% trong bối cảnh VN-Index giảm 0,04%, VN30-Index giảm 0,39%.
Các blue-chips cơ bản là yếu dù độ rộng không quá tệ, với 10 mã tăng/15 mã giảm. Lý do là nhóm tăng chỉ có 3 mã vượt 1% là BVH, SSI và GVR. Ngoài ra có thể kể thêm VRE với mức tăng 0,88%. Đây cũng là 4 mã duy nhất trong VN30 thuộc Top 10 mã kéo chỉ số lên hôm nay. Đây là phiên hiếm hoi mà các trụ VN30 ít ảnh hưởng như vậy. Ngược lại, số giảm thì GAS, BID, VIC, MSN, NVL vẫn hàng đầu.
Với độ rộng cuối ngày 249 mã tăng/183 mã giảm ở HoSE và 138 mã tăng/86 mã giảm ở HNX, hai sàn niêm yết giao dịch vẫn tích cực. Đặc biệt gần 190 mã trên hai sàn tăng giá vượt 2% cho thấy cơ hội vẫn rộng mở đối với cổ phiếu. Chỉ có điều dòng tiền luân chuyển và nhạy cảm nhóm ngành khiến việc lựa chọn trở nên khó khăn hơn.