Tín hiệu dòng tiền vẫn còn đang thận trọng
VN-Index tiếp tục lùi bước và tín hiệu dòng tiền vẫn còn đang thận trọng mặc dù chỉ số đang ở vùng hỗ trợ quanh 1.490 điểm.
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 1/3/2022.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, chỉ số Vn-Index giảm 8,76 điểm – tương đương 0,58%, xuống 1.490,13 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,26 điểm – tương đương 0,06%, đóng cửa ở mức 440,42 điểm.
VN-Index đang thực hiện kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 1490
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Bất chấp nỗ lực cứu cánh của bên mua, bên bán từng bước một đẩy VN-Index đi xuống trong phiên ngày hôm nay. Kết phiên, chỉ số giảm gần 9 điểm so với thứ sáu tuần trước. Nhóm cổ phiếu Thép và Phân bón ghi nhận một phiên giao dịch tích cực, tuy nhiên Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,… lại có một phiên giao dịch ảm đạm, điều này đã cản trở đà tăng của chỉ số.
Trong nhóm VN30, 21 cổ phiếu kết phiên chìm trong sắc đỏ. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 10/19 ngành tăng điểm. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX.
Hiện tại, VN-Index đang thực hiện kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 1490. Nếu test ngưỡng này thành công, chỉ số có thể sẽ tích lũy thêm tại vùng này trước khi bật tăng trở lại, còn nếu không, chỉ số có thể sẽ tiếp tục đi xuống ngưỡng hỗ trợ 1475-1480".
VN-Index có thể bị ảnh hưởng khá nhiều bởi kết quả đàm phán Nga-Ukraine
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"Thị trường giao dịch khá cầm chừng trong phiên đầu tuần với thanh khoản suy giảm và chỉ xấp xỉ mức trung bình 20 phiên khi mà một bộ phận nhà đầu tư có lẽ vẫn đang "nghe ngóng" tình hình đàm phán giữa Nga và Ukraine. Xét trên góc độ kỹ thuật, VN-Index kết phiên hôm nay trong vùng hỗ trợ 1.485-1.495 điểm (MA20-50) cũng củng cố thêm cho nhận định trên.
Diễn biến trong phiên giao dịch tiếp theo 1/3 có thể bị ảnh hưởng khá nhiều bởi kết quả đàm phán Nga-Ukraine. Trong kịch bản tích cực, đàm phán diễn ra thuận lợi, VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng giá hiện tại để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu đàm phán thất bại và leo thang căng thẳng, VN-Index có thể sẽ cần lùi về các vùng hỗ trợ thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Trong bất kỳ kịch bản nào, khả năng thị trường nhảy gap trong phiên tới là hoàn toàn có thể diễn ra. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 như khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường".
Tín hiệu dòng tiền vẫn còn đang thận trọng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"VN-Index tiếp tục lùi bước và tín hiệu dòng tiền vẫn còn đang thận trọng mặc dù chỉ số đang ở vùng hỗ trợ quanh 1.490 điểm. Với động thái thận trọng hiện có, có khả năng VN-Index sẽ tiếp tục lùi bước để kiểm tra vùng hỗ trợ thấp hơn. Do vậy, Quý nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và cân nhắc các yếu tố rủi ro, đồng thời cũng nên giữ danh mục ở mức an toàn".
Nhà đầu tư hạn chế bán ra ở giai đoạn này
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể quay trở lại đà tăng và giằng co trong vùng giá 1,489 – 1,512 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và các nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội lợi nhuận ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư hạn chế bán ra ở giai đoạn này.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với tỷ trọng trên 55% danh mục”.
Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)
“Thị trường trong nước điều chỉnh sau khi giảm nhẹ trong tuần trước, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng, thanh khoản vì vậy giảm so với bình quân tuần trước. Sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục khiến dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ. Nổi bật trong phiên hôm nay ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thì nhóm cổ phiếu thép, phân bón, dệt may, thủy sản,…, Bên cạnh đó, gây áp lực giảm cho thị trường cũng đến từ hoạt động bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HSX còn 22.608 tỷ đồng so với mức bình quân 25.763 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 693 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 729 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa và năng lượng như dầu khí, phân bón, thép, thủy sản, dệt may,… vẫn thu hút được dòng tiền vào. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc tham chiếu vào chỉ số lúc này có thể bị nhiễu.
Với diễn biến như vậy, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ và các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa. Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng trong môi trường thị trường còn nhiều biến động như hiện nay”.
Rủi ro điều chỉnh là vẫn hiện hữu
(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)
“Sau nhịp hồi phục bất thành đầu phiên, VN-Index đảo chiều giảm điểm giằng co đến cuối phiên. Vùng hỗ trợ gần quanh 148x đã cho phản ứng và giúp cho chỉ số sớm lấy lại trạng thái cân bằng hơn.
Mặc dù rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong những phiên tới vẫn hiện hữu, VN-Index về tổng thể vẫn duy trì kênh tăng điểm từ đáy tháng 1 và cơ hội xuất hiện các nhịp hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao chừng nào chưa đánh mất vùng hỗ trợ xa quanh 1460. Sau khi chốt lời 1 phần trong những phiên trước, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể mở lại từng phần vị thế trading ngắn hạn quanh vùng hỗ trợ của các mã mục tiêu”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.