Tỉnh nhỏ nhất nước là “quán quân” về thu hút FDI
Tính đến ngày 20/7, trong số 48 tỉnh, thành phố trên cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư cả nước…
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp tại Việt Nam đã đạt hơn 18 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số 48 tỉnh, thành phố trên cả nước thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư cả nước. Đáng chú ý, số vốn đầu tư đăng ký này đã tăng hơn 3 lần cùng kỳ.
Bắc Ninh cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm 2024, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,58 tỷ USD (cả nước là gần 15,2 tỷ USD).
Sự tăng trưởng vượt bậc vốn FDI tại Bắc Ninh chủ yếu đến từ dự án điều chỉnh vốn đầu tư lớn trị giá 1,07 tỷ USD của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh của Công ty đạt 1,6 tỷ USD; công suất sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm).
Từ đầu năm đến nay, địa phương cũng đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Cụ thể, về xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh Bắc Ninh chủ động làm việc, gặp gỡ doanh nghiệp lớn đầu tư tại địa phương để thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất và kêu gọi doanh nghiệp vệ tinh, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản tiêu biểu…
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, nhằm trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh như: Tập đoàn Công nghệ CMC, đoàn doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hungary…
Tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vào ngày 23/7 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, các đơn vị cần tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm đạt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn FDI trong trong năm 2024 mà tỉnh đề ra.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thi công các dự án, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.
Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại Phong Khê và Văn Môn, xác định trách nhiệm chính và đôn đốc trong xử lý vi phạm, kiên quyết chấm dứt sản xuất giấy tại Phong Khê trước ngày 31/12/2024;…
Theo sau Bắc Ninh, trong 7 tháng năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút hơn 1,56 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI.
Trong khi đó, đầu tàu kinh tế cả nước là TP.HCM đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư FDI đăng ký gần 1,55 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng...
Tuy nhiên, nếu xét về dự án, TP.HCM lại dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 39%) và góp vốn mua cổ phiếu (chiếm gần 70%). Còn Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14%).
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 2.350 dự án đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư vào tỉnh. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư và là đối tác lớn nhất, với gần 100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 14,7 tỷ USD (chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư FDI tại tỉnh). Các doanh nghiệp của Hàn Quốc đang dần mở rộng sang các lĩnh vực mới như bán dẫn, năng lượng sạch, xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ…